Xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia thực thi hiệu quả các FTA
Đến nay, Việt Nam đã và đang thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới, là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tư do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA). Thời gian vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp đã rất nỗ lực đồng hành cùng nhau để có thể nâng cao hiệu quả thực thi các FTA này. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm địa phương, ông Nguyễn Công Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho rằng, nhân sự chuyên gia giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ, hướng dẫn thực thi các FTA cho các doanh nghiệp. Trong đó, thời gian qua, Hải Phòng rất chú trọng đến việc đào tạo, duy trì nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thực thi các FTA.
Theo ông Hân, thành phố Hải Phòng thường xuyên tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức như công tác hội nhập đối ngoại, đầu tư mua sắm Chính phủ, thương mại điện tử, quy tắc xuất xứ, hải quan, logistics và kết nối giao thương với các thị trường quốc tế nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, từ thực tế, "Hải Phòng cũng gặp khó khăn chung như các địa phương, đơn vị khác là số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thực thi FTA còn rất hạn chế và kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau" - ông Hân cho hay.
Vai trò của các chuyên gia sẽ giúp thực thi các FTA tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều FTA có những cam kết rất khó như cam kết về lao động... - Ảnh: VGP |
Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hằng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Detech cho biết, trong quá trình xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Âu và thực hiện Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn về tìm kiếm các chuyên gia để đào tạo cho đội ngũ nhân sự của bộ phận xuất nhập khẩu. "Trong quá trình thực tế, bộ phận nhân sự của doanh nghiệp mới chỉ nắm bắt được các chuyên môn thực hiện các hợp đồng, giao dịch, tư vấn cho khách hàng, còn kinh nghiệm thực tế từ chuyên gia FTA vẫn đang vướng mắc" - bà Hằng cho hay.
Với kinh nghiệm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp trong thực thi FTA, bà Hồ Ngọc Linh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định thương mại tự do (KTPC) cho biết: Vai trò của các chuyên gia về FTA rất quan trọng đối với cả các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp.
Theo bà Linh, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia FTA sẽ giúp thực thi các FTA tốt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều FTA có những cam kết rất khó như cam kết về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ…, từ đó sẽ giúp các doanh nghiệp thực thi FTA tốt hơn. Ngoài ra, các chuyên gia FTA ở các cơ quan quản lý Nhà nước còn giúp cảnh báo sớm, thông tin, hướng dẫn cụ thể hơn cho doanh nghiệp về các xu hướng phòng vệ thương mại tại các thị trường FTA và khuyến nghị giải pháp ứng phó thích hợp.
Đối với doanh nghiệp, vai trò của các chuyên gia mang tính chất định hướng, không chỉ ở vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ mà sẽ định hướng giải pháp ứng phó với những quy định mới của các thị trường trong bối cảnh thương mại mới.
Để có thể xây dựng được một đội ngũ chuyên gia và thực thi hiệu quả các FTA trong thời gian tới, ông Nguyễn Công Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, tiếp tục triển khai các khóa đào tạo về FTA; tạo nguồn nhân lực lâu dài, hiểu biết và nắm rõ về các FTA thông qua đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng như thành lập các khoa, ngành chuyên sâu về FTA.
Chia sẻ kinh nghiệm của các tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới về đào tạo chuyên gia, bà Hồ Ngọc Linh cho rằng, các doanh nghiệp có thể chủ động hợp tác, đặt hàng với các trường đại học, các cơ sở đào tạo để đào tạo những chuyên gia đáp ứng những yêu cầu cụ thể về phát triển bền vững, logistics, tìm kiếm thị trường…, có thể đưa vào những chương trình đào tạo đại học hoặc khóa học cấp chứng chỉ.
Cùng với đó, bà Linh nhấn mạnh, bên cạnh việc đầu tư đặt hàng đào tạo, doanh nghiệp cũng có thể dành ra một khoản chi phí vận hành để thuê một bên đơn vị nghiên cứu thị trường hoặc cung cấp nhân sự nghiên cứu đánh giá rủi ro giúp doanh nghiệp về xu hướng đầu tư, tìm kiếm cơ hội ở các thị trường phù hợp với quy mô sản xuất, nguồn vốn, nguồn hàng của doanh nghiệp…
Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (Vietnam FTA Portal, gọi tắt là Cổng FTAP) được khai trương ngày 23/12/2020 nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Cổng thông tin FTAP cung cấp những thông tin căn bản và hữu ích đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường FTA, và các doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường các FTA, cũng như doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên thị trường nội địa - để lên kế hoạch ứng phó với hàng nhập khẩu từ các FTA. |