Chủ nhật 22/12/2024 08:43

World Bank: Kinh tế Việt Nam cần đa dạng hóa để “sánh vai” với Hàn Quốc

Theo World Bank, đa dạng hóa và phức tạp hóa các ngành hàng xuất khẩu sẽ là chìa khóa để kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển trong tương lai.

Theo báo cáo mới đây của tổ chức /chu-de/ngan-hang-the-gioi.topic (World Bank) và Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, nền kinh tế Việt Nam đang có tốc độ phát triển nhanh chóng như nền kinh tế Hàn Quốc trong giai đoạn “thần tốc” vào thập niên 80. Tuy đều có sự tăng trưởng vượt bậc trong thời gian ngắn, nhưng nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại nhiều rủi ro mà có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong tương lai. Vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo Việt Nam cần đa dạng hóa và phức tạp hóa các mặt hàng xuất khẩu, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Bên trong nhà máy sản xuất ô tô tại Hàn Quốc. Nguồn ảnh: SeongJoon Cho, Bloomberg.

So sánh nền kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia chuyển đổi thành công từ nền kinh tế có thu nhập thấp sang nền kinh tế có thu nhập cao trong thời gian ngắn. Theo các chuyên gia, quá trình công nghiệp hóa thần tốc này là kết quả của hàng thập kỷ đầu tư vào cơ sở vật chất và con người, cũng như các chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía chính phủ Hàn Quốc.

Sau khi Hàn Quốc trở thành nền kinh tế thị trường phát triển và gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 1996, chính phủ Hàn Quốc đã chuyển trọng tâm sang tăng trưởng kinh tế gắn với tăng trưởng năng suất dựa vào tiến bộ công nghệ. Đến đầu thế kỷ 21, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc giờ được thúc đẩy bởi nỗ lực nâng cấp và nghiên cứu công nghệ trong lĩnh vực sản xuất từ phía chính phủ Hàn Quốc, dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng về năng suất lao động.

Sự phát triển kinh tế thần tốc của Hàn Quốc cũng gắn liền với sự đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, từ đơn giản đến phức tạp, từ thô sơ đến công nghệ cao. Trong khi đó nhiều nước đang phát triển chỉ tập trung vào xuất khẩu các mặt hàng đơn giản như nông nghiệp hoặc khoáng sản, Hàn Quốc đã mở rộng sản xuất vào những năm 1970. Từ xuất khẩu nguyên liệu thô và nông sản vào những năm 1960, đến hóa chất, vật liệu đóng tàu và hàng may mặc vào những năm 1980, Hàn Quốc giờ đang sản xuất các mặt hàng có giá trị cao như vi mạch, ô tô và linh kiện.

Tương tự với Hàn Quốc, từ năm 1990 đến năm 2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng chóng mặt, với tốc độ trung bình hàng năm là 5,4%. Theo World Bank, thành tích vượt trội này được cấu thành bởi ba yếu tố chính là khả năng tích lũy vốn nhanh, nguồn lao động dồi dào và tăng trưởng năng suất cao. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế còn được củng cố bởi những cải cách trong môi trường kinh doanh, tăng trưởng chất lượng nhân lực, và đặc biệt là dòng vốn FDI lớn.

Cũng giống như Hàn Quốc, Việt Nam cũng đã mở rộng danh mục sản phẩm xuất khẩu từ đơn giản, giá trị gia tăng thấp sang phức tạp và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam năm 1995 tập trung vào khoáng sản, nông nghiệp, và dệt may (màu vàng), những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam năm 2023 là điện tử (máy tính, điện thoại, linh kiện), máy móc và dệt may.

Nhưng trái ngược với Hàn Quốc, nơi mà chính phủ nước này khuyến khích đa dạng hóa trong sản xuất, sự đa dạng hóa tại Việt Nam lại đang được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp FDI. Điều này dẫn đến việc một số các tiến bộ về sản xuất ít có cơ hội được chia sẻ với các doanh nghiệp khác trong nước. Hơn nữa, việc sản xuất các mặt hàng phức tạp như điện tử và máy móc chỉ đang tập trung vào khâu lắp ráp, mà ít có sự đầu tư vào khâu xử lý và hoàn thiện sản phẩm. Theo các nhà nghiên cứu, hai yếu tố này đang cản trở tiềm năng đa dạng hóa nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy thuộc tập đoàn Foxconn tại Hà Tĩnh. Nguồn ảnh: Qilai Shen, Bloomberg.

Việt Nam cần làm gì để phát triển đa dạng hóa?

Theo báo cáo của World Bank, các nhà nghiên cứu đã đưa ra 4 khuyến nghị về chính sách để phát triển đa dạng hóa nền kinh tế Việt Nam, cũng như góp phần giảm thiểu những rủi ro trong tương lai. Nếu được thực hiện, những hành động này có thể góp phần hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Một là, Việt Nam cần để xác định những nhóm ngành phù hợp nhất để nâng cao triển vọng đa dạng hóa nền kinh tế. Theo báo cáo của World Bank, Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế trong việc tận dụng năng lực công nghệ làm nền tảng cho hoạt động sản xuất hiện tại. Tuy vậy, báo cáo cũng cho thấy Việt Nam có tiềm năng đa dạng hóa hơn 200 sản phẩm, trong đó có 92 sản phẩm mới là các mặt hàng công nghệ phức tạp. Sự chuyển đổi này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chiến lược của Việt Nam là nâng cao chuỗi giá trị trên thị trường toàn cầu.

Hai là, Việt Nam sẽ cần đầu tư mạnh hơn vào việc nâng cấp công nghệ và năng lực để đa dạng hóa nền kinh tế. Dựa vào kinh nghiệm từ Hàn Quốc, khu vực tư nhân của Việt Nam có thể tăng cường đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng như cần tăng cường xây dựng năng lực cho lực lượng lao động. Nhà nước cũng cần đưa ra các chính sách công hiệu quả, cũng như tạo điều kiện cho sự hỗ trợ và phát triển các ngành công nghệ. Ngoài ra, việc tăng cường liên kết và tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình hợp tác giữa các doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp địa phương sẽ thúc đẩy sự nâng cấp về năng lực công nghệ.

Ba là, Việt Nam cần đặt trọng tâm vào việc chia sẻ và tích lũy năng lực công nghệ. Trên thực tế, Hàn Quốc đã thành công trong việc chuyển đổi từ xuất khẩu các mặt hàng khai thác tài nguyên và thiếu liên kết (như nông nghiệp và khoáng sản); sang những mặt hàng công nghệ phức tạp (như ô tô và điện tử), nhờ vào sự trao đổi và phát triển năng lực công nghệ giữa các tập đoàn lớn. Điều này cho thấy rằng, một quốc gia có năng lực công nghệ cao có thể đa dạng hóa sang các sản phẩm dường như xa vời, không liên quan, thậm chí vượt ra ngoài cơ cấu công nghiệp hiện tại. Ngược lại, một quốc gia nếu thiếu năng lực công nghệ sẽ chỉ tập trung vào đa dạng hóa sang các sản phẩm lân cận, qua đó bỏ lỡ cơ hội phát triển các mặt phức tạp hơn.

Cuối cùng, Việt Nam cần tăng cường phối hợp giữa các chính sách về công nghiệp và đổi mới. Bài học của Hàn Quốc cho thấy các chính sách công nghiệp và đổi mới của nước này đã kết hợp, thống nhất và song hành để thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế. Ngược lại, năng lực công nghệ hỗ trợ sản xuất của Việt Nam còn chưa đủ mạnh; chính sách đổi mới còn thiếu hiệu quả và đang bị phân tán. Vì vậy, sự phối hợp hiệu quả giữa các chính sách công nghiệp và đổi mới có thể khuyến khích các doanh nghiệp địa phương đầu tư vào nghiên cứu và nâng cấp năng lực công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phú Quý
Bài viết cùng chủ đề: vốn FDI

Tin cùng chuyên mục

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 73,5% kế hoạch

Thu ngân sách nhà nước 11 tháng tăng 16,1%

Hơn 31,8 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam trong 11 tháng

Nâng cao chất lượng quản trị, ''chìa khóa'' tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư

Khơi thông hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động M&A

Quản trị công ty - 'thước đo' năng lực của doanh nghiệp

Kỳ vọng thị trường M&A được kích hoạt mạnh mẽ trong năm 2025

Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc

Vĩnh Phúc: Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp

Nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản chọn Vĩnh Phúc là điểm dừng chân

Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam

Nguồn lực tư nhân đóng góp quan trọng phát triển hạ tầng giao thông

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu

10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 1,8%

10 tháng, Việt Nam thu hút 27,26 tỷ USD vốn FDI

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

5 triệu USD thúc đẩy phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của khu vực đầu tư nước ngoài

Dự báo một năm thành công của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

TS Phan Hữu Thắng: Năm 2024 Việt Nam có thể thu hút 39-40 tỷ USD vốn FDI