Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp
Trong thương mại quốc tế, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Technical Barriers To Trade-TBT) bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp. Các biện pháp kỹ thuật này về nguyên tắc là cần thiết và hợp lý nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe con người, môi trường, an ninh... Vì vậy, mỗi nước đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình và hàng hóa nhập khẩu.
Thời gian qua, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã chủ động phối hợp, duy trì và đảm bảo hoạt động của điểm hỏi đáp TBT Bộ Công Thương; tham gia hoạt động của Ban liên ngành TBT Việt Nam; tham gia góp ý, hoàn thiện các văn bản sửa đổi liên quan đến hoạt động của Ban liên ngành và điểm hỏi đáp về TBT theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về TBT, SPS tại các thị trường xuất khẩu |
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án của Chính phủ về tăng cường hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Đồng thời, đã rà soát hệ thống TCVN, QCVN liên quan đến ngành Công Thương để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng lộ trình, kế hoạch hoàn thiện hệ thống các hàng rào kỹ thuật phù hợp cam kết quốc tế và đảm bảo các mục tiêu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Vụ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các hội thảo giới thiệu về TBT, SPS và yêu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam thuộc diện quản lý của Bộ Công Thương khi xuất khẩu sang EU cũng như chủ động xây dựng Chương trình tuyên truyền, phổ biến về TBT, SPS trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA; khảo sát, đánh giá các TCVN, QCVN của Việt Nam đối với một số sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường EU (dệt may, sữa, da giày…) và đề xuất Kế hoạch xây dựng TCVN, QCVN giai đoạn 2021-2025…
Tìm hiểu kỹ quy định
Tuy nhiên, để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, DN xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn. "Điều đó, sẽ giảm thiểu tối đa cho DN về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu" - đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.
Cụ thể, DN cần chủ động nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, tìm hiểu thông tin về TBT, SPS của các quốc gia nhập khẩu để điều chỉnh hoạt động sản xuất. Tăng cường khả năng cạnh tranh và có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; mở rộng, tăng cường liên kết giữa các DN trong nước, giữa các DN trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức đa quốc gia.
Bên cạnh đó, đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu. Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường như ISO, 5S, HACCP, GMP… nhằm chuẩn hóa đầu ra theo yêu cầu từ phía các nước nhập khẩu.
Khi thực thi FTA, các "hàng rào thuế quan" gần như được dỡ bỏ, thay vào đó, các nước sẽ tăng cường triển khai các biện pháp TBT, SPS. Đây chính là một trong những hàng rào phi thuế quan và buộc DN phải đáp ứng. |