Tính đến tháng 8/2019, khu vực DHNTB&TN có 604/1.424 xã (chiếm 42,41%) và 9 huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2010 - 2019, toàn vùng đã huy động được 364.585 tỷ đồng đầu tư cho chương trình nông thôn mới.
Cần đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với mô hình OCOP |
Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư liên tục, góp phần cải thiện, thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, bước đầu cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân.
Phát triển sản xuất bước đầu đã nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao lợi thế cạnh tranh các sản phẩm ngành hàng. Các tỉnh, thành phố vùng DHNTB đã chú trọng phát huy kinh tế biển, gồm du lịch biển (đứng đầu cả nước) và khai thác thủy hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các tỉnh Tây Nguyên chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng từ một số cây có giá trị thấp sang rau, hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp,… hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn phát triển theo chuỗi liên kết, chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Chương trình OCOP sau hơn 1 năm triển khai, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm đặc sản các địa phương (điển hình là các tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng). Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa đến năm 2020 của khu vực là 582 sản phẩm, chiếm 15,8% cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 khu vực nông thôn của các tỉnh vùng DHNTB đạt khoảng 27,87 triệu đồng/người; vùng Tây Nguyên đạt khoảng 30,45 triệu đồng/người.
Dù vậy, khu vực này vẫn còn là vùng trũng của cả nước về xây dựng nông thôn mới khi hầu hết các tiêu chí so sánh với các vùng khác trong cả nước đều thấp hơn đáng kể và thấp hơn mặt bằng chung của cả nước nhất là thiết chế hạ tầng còn hạn chế và tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, gắn với mô hình OCOP
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, khu vực DHNTB&TN là một trong những vùng đặc trưng nhất của Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới khi hội tụ đủ cả nông, lâm, ngư nghiệp; là khu vực tiềm năng nhất để phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hình mẫu nông dân. Nhưng khu vực này lại có xuất phát điểm cực kỳ khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu. Vì vậy, dù các địa phương có nhiều nỗ lực, kết quả 9 năm xây dựng nông thôn mới đã rất tích cực, nhưng so với các vùng khác thì vẫn còn thấp hơn.
Theo GS.TS Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong giai đoạn tới, vùng DHNTB cần đẩy mạnh kinh tế biển, gắn kết với du lịch biển đảo, du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa đặc trưng của vùng biển. Vùng Tây Nguyên hướng đến hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả lớn, gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa của các dân tộc. Các sản phẩm của DHNTB&TN phải gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với mô hình OCOP; coi OCOP là một chương trình kinh tế, trong đó, sản phẩm nông nghiệp phải dần chuẩn hóa, đạt chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn XuânCường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Vùng DHNTB&TN cần tập trung khai thác lợi thế để hình thành vùng nông nghiệp, ngư nghiệp điển hình của cả nước, góp phần đưa kinh tế 2 vùng dần cân bằng với các vùng, miền khác trong cả nước. |