Chiều 30/10, tại TP. Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường tổ chức Chương trình Diễn đàn đầu tư “Cao nguyên xanh Lâm Đồng chuyển đổi xanh bền vững, cơ hội cho nhà đầu tư”.
Tham dự buổi Diễn đàn có Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Tiến sĩ Vũ Nhữ Thăng – Phó Chủ tịch phụ trách Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc Gia; Tiến sĩ Lưu Hồng Trường - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu Sáng tạo FICR (Đại học Ngoại Thương); ông Lê Quang Minh - Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam… và khoảng 250 đại biểu gồm các vị học giả, đại diện các nhà đầu tư, các viện nghiên cứu và lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh Lâm Đồng.
Toàn cảnh buổi Diễn đàn đầu tư “Cao nguyên xanh Lâm Đồng chuyển đổi xanh bền vững, cơ hội cho nhà đầu tư”. Ảnh: Lê Sơn |
Tại Diễn đàn, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là tỉnh có vị trí chiến lược rất quan trọng về địa lý, kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng; kết nối trực tiếp của 3 vùng kinh tế: Vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ - khu vực phát triển năng động nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng có nhiều tiềm năng, thế mạnh so với các địa phương trong vùng như: Điều kiện tự nhiên thuận lợi; tài nguyên du lịch giàu có, phong phú, đặc sắc, đa dạng, đáp ứng phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao; văn hóa dân tộc đa dạng, người dân thân thiện và mến khách; tiềm năng đất đai đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, nông thôn và công nghiệp…
Với địa hình đa dạng, khí hậu ôn hoà, hệ sinh thái phong phú, thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng… đặc biệt là Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà với diện tích trên 70.000h a thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang, là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học lớn bậc nhất nước ta với hàng ngàn loài động thực vật sở hữu nguồn gen cực kỳ quý hiếm. Từ đó đã mang lại cho tỉnh Lâm Đồng nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 54,37%, tiềm năng lớn để tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon.
Bên cạnh lợi thế nổi bật về tự nhiên, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Lâm Đồng mang nhiều nét độc đáo, mà tiêu biểu là Không gian văn hóa cồng chiêng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, tạo nên những thế mạnh riêng để Lâm Đồng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch cộng đồng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu: “Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn”.
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, định hướng đã được Bộ Chính trị đề ra, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương, sự phối hợp của các địa phương trong Vùng; sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh thời gian tới, Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng đã xác định: Đến năm 2030 Lâm Đồng phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Tiến sĩ Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch Phụ trách Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia phát biểu tại Diễn dàn. Ảnh: Lê Sơn |
Tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển nhanh, bền vững, với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, kinh tế - xã hội dựa trên 03 trụ cột chính: Nông nghiệp hiện đại, là trung tâm sản xuất nghiên cứu nông nghiệp thông minh, hiệu quả, nông nghiệp hữu cơ tầm quốc gia và quốc tế; phát triển du lịch - dịch vụ theo hướng chất lượng cao và bền vững, trong đó TP. Đà Lạt trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch canh nông và du lịch văn hóa - di sản, danh lam thắng cảnh tầm quốc gia và quốc tế.
Tiếp đến, phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, khi xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng rất quan tâm đến việc giảm phát thải khí nhà kính (NET ZERO) thông qua định hướng ưu tiên phát triển các dự án về năng lượng tái tạo (điện mặt trời có 11 dự án tiềm năng, điện gió có 18 dự án tiềm năng, thủy điện tích năng 6 dự án tiềm năng, 27 dự án thủy điện tiềm năng…), xử lý chất thải rắn gắn với công nghệ xử lý hiện đại,..
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng vào ngày 26/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi ý bổ sung đột phá chiến lược cho tỉnh Lâm Đồng đó là “Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, chống biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí”.
“Tỉnh Lâm Đồng luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thành công các dự án đầu trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Đó cũng chính là ý nghĩa, mục đích của địa phương hướng đến trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, có 6 phát biểu tham luận, trong đó, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến định hướng gợi mở, thông tin hữu ích về môi trường đầu tư kinh doanh, những nhận định và các giải pháp, động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững hướng tới NetZero 2050. Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng, đây cũng là cơ hội lớn để tỉnh quảng bá tiềm năng, lợi thế và những chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện, cơ hội cho nhà đầu tư khi đến đầu tư, kinh doanh tại địa phương.