Tiến độ triển khai thực hiện 3 vùng nông nghiệp công nghệ cao Đà Nẵng đến đâu? Đà Nẵng: Phiên chợ nông sản hướng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam |
Chống hoang hóa đất nông nghiệp
Hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng có khoảng 300 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang, chủ yếu tập trung ở huyện Hòa Vang.
Bà Nguyễn Thị Vân – Chủ tịch Hội Nông dân Huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) cho biết, phần lớn đất nông nghiệp tại huyện đã giao cho người dân đều đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tác động của môi trường, thiên tai, ảnh hưởng bởi các dự án… dẫn đến diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không sản xuất được do thiếu nước tưới, vùng trũng ngập hoặc bạc màu.
Ốc bươu đen tại ao trong mô hình của ông Lê Văn Thành |
Trước thực trạng này, huyện Hòa Vang tổ chức khảo sát các diện tích đất hoang hóa, phát động phong trào khôi phục đất nông nghiệp bỏ hoang trên địa bàn huyện. Trong đó, thử nghiệm chuyển đổi trồng, nuôi một số cây trồng, vật nuôi trên các diện tích đất hoang được khảo sát có thể khôi phục. “Diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án thành phố đều có hỗ trợ vụ mùa. Tuy nhiên, diện tích bị ảnh hưởng bởi các dự án nếu bỏ hoang sẽ rất lãng phí. Vì vậy, Hội đã vận động người dân, các hội viên trồng các loại cây phù hợp. Đặc điểm các loại cây trồng này là cây trồng theo vụ, thời gian ngắn, có khả năng thích ứng với thổ nhưỡng tốt hơn”, bà Vân nói và cho biết, những loại cây trồng mới đang được trồng thí điểm như sen, súng, lúa ngắn ngày, bưởi da xanh, đậu xanh…, ngoài ra, ở khu vực thấp trũng nuôi thí điểm ốc bươu đen.
Ông Lê Văn Thành (thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cho biết, từ phong trào chống hoang hóa đất nông nghiệp, ông đã mạnh dạn đăng ký thuê 2.000 m2 diện tích đất của xã bị bỏ hoang nhiều năm nay để nuôi ốc bươu đen. “Tôi được hỗ trợ, đào tạo về kỹ thuật nuôi, được hỗ trợ con giống nên cũng yên tâm khi đầu tư sản xuất”, ông Thành chia sẻ.
Mô hình trồng sen, súng kết hợp nuôi ốc, cá để làm nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái của ông Đặng Thái Lâm |
Tương tự, từ sự vận động của Hội nông dân xã Hòa Tiên, ông Đặng Thái Lâm (thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cũng mạnh dạn thuê 1.000m2 đất ruộng khó sản xuất, bị bỏ hoang để làm dự án nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, trồng sen, súng, kết hợp thả ốc, cá, nuôi vịt, ong. “Định hướng của tôi là làm mô hình nông nghiệp sạch (không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) kết hợp du lịch sinh thái để tăng hiệu quả sử dụng đất”, ông Lâm thông tin.
“Phủ xanh” 51,8 ha đất hoang hóa
Ông Ngô Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) cho biết trên địa bàn xã hiện có hơn 2,6 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang do ảnh hưởng của dự án (đề nghị hỗ trợ vụ mùa năm 2023); ngoài ra còn 6,7 ha đất khó sản xuất người dân tự bỏ hoang. Vận động người dân khôi phục sản xuất, trong năm 2024, đã khôi phục 3,5 ha.
Mô hình nuôi ốc bươu của ông Lê Văn Thành bước đầu cho kết quả tốt |
Sau hơn 3 tháng nuôi thả, hai ao ốc bươu đen của ông Lê Văn Thành (thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến) đã cho đợt thu hoạch thử nghiệm đầu tiên với hơn 1 tạ sản phẩm.
Ông Thành cho biết, do nuôi vụ đầu nên ốc còn chưa đều, tuy nhiên, bằng sự hỗ trợ kỹ thuật cũng như từ thực tiễn đã giúp ông đúc rút được nhiều kinh nghiệm. “Đầu ra của ốc bươu đen rất lớn. Hiện thương lái đặt mua rất nhiều và đến tận ao để nhập hàng với giá khá ổn định là 70.000 đồng/kg. Về lâu dài, gia đình có thể có lãi dần từ mô hình này”, ông Thành chia sẻ. Kết quả tích cực bước đầu của mô hình, ông Thành có thêm động lực mở rộng diện tích bằng ao nuôi thứ 3, đưa tổng diện tích mô hình nuôi ốc bươu đen lên 2.000 m2.
Còn ông Đặng Thái Lâm thì tin tưởng mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái sẽ cho thu nhập về sau. Cùng với khai thác sản phẩm thô (hoa sen, hoa súng, ốc) và đón khách tham quan, trải nghiệm học tập cho các em nhỏ, ông Lâm còn ấp ủ ý tưởng sẽ làm thêm sản phẩm mật ong hoa súng. “Mọi thứ vẫn đang ở giai đoạn đầu, bởi đất mới chỉ triển khai vài tháng nay, nhưng khi vừa làm, tôi luôn được chính quyền, hội đoàn thể đồng hành hỗ trợ nên tôi tin tưởng mô hình của mình sẽ thành công”, ông Lâm cho hay.
Những tháng đầu năm 2024, huyện Hòa Vang đã khôi phục sản xuất được 51,8 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang |
“Trong những tháng đầu năm 2024, huyện đã khôi phục sản xuất, “phủ xanh” được 51,8 ha đất hoang hóa, góp phần cải thiện thu nhập, kinh tế cho nhiều hộ dân. Đây là kết quả tích cực bước đầu để chống hoang hóa đất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian tới”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Thị Vân nói.