Chủ nhật 24/11/2024 04:10

Vùng đồng bằng sông Hồng: Phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập

Vùng Đồng bằng sông Hồng đặt mục tiêu phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của hội nhập,cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu phát triển của vùng.

Tạo việc làm cho gần 11,21 triệu người lao động

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vùng Đồng bằng sông Hồng có lực lượng lao động khá dồi dào với khoảng 11,44 triệu người, chiếm gần 23% tổng lực lượng lao động cả nước.

Chất lượng lao động của vùng Đồng bằng sông Hồng ngày càng được cải thiện

Chất lượng lao động của vùng ngày càng được cải thiện với tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ của vùng đã tăng từ 21,3% năm 2011 lên gần 37% năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức bình quân chung 26,1% của cả nước. Trong đó, thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh có chất lượng lao động cao nhất - tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ tương ứng là 50,27% và 42,07%.

Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước (cùng với Vùng Đông Nam Bộ), đã thu hút hơn 33,6% số dự án và 30,2% số vốn đầu tư nước ngoài hình thành hơn 360 cụm công nghiệp.

Theo đó, vùng đã tạo việc làm cho gần 11,21 triệu người lao động, chiếm 22,86% trong tổng số việc làm của cả nước. Cơ cấu lao động của vùng chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ lệ lao động lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp hiện chỉ còn khoảng 13,55% (thấp hơn nhiều so với mức chung 29% của nước; tỷ lệ lao động làm công hưởng lương đạt 60,53%, cao hơn so với mức chung 52% của cả nước). Trong giai đoạn 2011-2021, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của vùng cũng luôn duy trì ở mức thấp dưới 3%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm của vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Cụ thể, chất lượng lao động của vùng mặc dù cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước song vẫn còn thấp so với yêu cầu của một vùng kinh tế phát triển khi mà vẫn còn gần 2/3 lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng/chứng chỉ.

Việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao chưa được chú trọng. Đáng lưu ý, chất lượng lao động ở nông thôn, chất lượng lao động nữ cải thiện chậm và còn rất thấp, mới chỉ có 15,1% lực lượng lao động nông thôn qua đào tạo; 21,3% lực lượng lao động nữ qua đào tạo. Các bằng chứng này cho thấy các lỗ hổng trong chất lượng nguồn nhân lực mà các địa phương trong vùng phải giải quyết để tăng cường sức cạnh tranh và tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo.

Do tác động của già hóa dân số, tốc độ tăng của lực lượng lao động của vùng đã chậm lại, số lao động được tạo việc làm mới bắt đầu giảm thấp hơn so với giai đoạn trước, có nguy cơ thiếu lao động trong tương lai, đặc biệt là lao động có trình độ cao.

Bên cạnh đó, thị trường lao động của vùng tuy đã có bước phát triển nhưng chưa hoàn thiện, chất lượng việc làm còn thấp. Một bộ phận lớn người lao động có việc làm phi chính thức (57,1%) trong điều kiện lao động hạn chế, thu nhập bấp bênh; hơn 1/3 số lao động của vùng đang làm các công việc dễ bị tổn thương, bao gồm lao động tự làm và lao động hộ gia đình (nhóm lao động dễ bị tổn thương với đặc trưng là có công việc bấp bênh, thu nhập thấp và không ổn định, thời gian làm việc kéo dài, điều kiện làm việc không đảm bảo).

Trong khi đó, việc thực thi các chính sách, chương trình thị trường lao động còn hạn chế. Quỹ quốc gia về việc làm tập trung nhiều cho hộ gia đình vay vốn, ít hỗ trợ các doanh nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm mới. Ở một số địa phương, việc thực hiện Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự mang lại hiệu quả, chất lượng đào tạo và cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Hệ thống thông tin và dịch vụ việc làm chưa phát triển đến các vùng nông thôn. Nhiều địa phương chưa chú trọng đầu tư cho các trung tâm dịch vụ việc làm; tổ chức và hoạt động giới thiệu việc làm của các trung tâm chậm được đổi mới; mối liên kết, chia sẻ thông tin về thị trường lao động giữa các trung tâm trên cùng địa bàn hay giữa các địa phương trong vùng chưa tốt…

Đưa nhân lực trở thành nền tảng để phát triển bền vững

Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của vùng Đồng bằng sông Hồng về phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm đó là phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đưa nhân lực thực sự trở thành nền tảng và yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững vùng.

Đồng thời, đảo đảm an sinh xã hội bao phủ toàn dân, mọi người dân có việc làm, sinh kế, vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, phù hợp với mục tiêu của vùng phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045.

Trong đó, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025: Lao động có bằng cấp/chứng chỉ đạt 40-44% lực lượng lao động; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 30% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 60%. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%; tỷ lệ việc làm phi chính thức dưới 40%; tỷ lệ lao động nông nghiệp dưới 10%.

Đến năm 2030: Lao động có bằng cấp/chứng chỉ đạt 45-50%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%; tỷ lệ việc làm phi chính thức dưới 25%; tỷ lệ lao động nông nghiệp dưới 7%.

Theo đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền và toàn thể người dân về phát triển nguồn nhân lực và giáo dục nghề nghiệp, khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; đánh giá, lựa chọn trường có năng lực trên địa bàn các tỉnh/thành phố của vùng để hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo quy định để đạt tiêu chí của trường chất lượng cao để hình thành những trung tâm đào tạo cấp vùng, quốc gia phục vụ cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước nói chung cũng như vùng nói riêng.

Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của vùng. Xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm, 5 năm của từng địa phương với cơ cấu ngành nghề đào tạo hợp lý, trong đó, chú trọng đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Tăng cường việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp (từ việc tham gia biên soạn chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo lý thuyết và thực hành tại doanh nghiệp…) để nâng cao chất lượng đào tạo.

Mặt khác, tăng cường và nâng cao hiệu quả lồng ghép các mục tiêu tạo việc làm, nâng cao chất lượng việc làm và phát triển việc làm bền vững… trong các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của vùng, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động của các tỉnh, thành phố trong vùng với các địa phương trong cả nước. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, hiện đại; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; đẩy mạnh giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

Đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách, giải pháp tạo việc làm gắn với nâng cao chất lượng việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; nâng cao tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là lao động nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số, lao động thuộc nhóm yếu thế.

Ngoài ra, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người dân, nhất là người nghèo, người khuyết tật, lao động nông thôn …; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động. Xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu về lao động, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách phù hợp cho lao động nói chung.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Đồng bằng sông Hồng

Tin cùng chuyên mục

Nhân sự 20/11: Bộ Chính trị bổ nhiệm nhân sự; Bộ Công an bổ nhiệm hai lãnh đạo tại tỉnh Bình Dương

Nhân sự 19/11: Quốc hội ban hành nghị quyết nhân sự; Bộ Công Thương bổ nhiệm Phó Vụ trưởng

Nhân sự 18/11: Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Y tế; Nghệ An có tân Chủ tịch HĐND tỉnh

Nhân sự Trung ương tuần qua: Bộ Chính trị điều động cán bộ từ địa phương

Nhân sự địa phương: Hà Nội, Nam Định bổ nhiệm cán bộ; tân Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An là ai?

Nhân sự 15/11: Ông Nguyễn Xuân Ký, Bùi Văn Cường bị kỷ luật cảnh cáo; Ban Dân vận có nhân sự mới

Bắt người mẫu An Tây, ca sĩ Chi Dân: Lời xin lỗi muộn màng và bài học đắt giá cho nghệ sĩ

Nhân sự 14/11: Bộ Giao thông Vận tải điều động Vụ trưởng; Ninh Bình, Trà Vinh bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt

Nhân sự ngày 13/11: Công bố lí do đề nghị kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Trường Đại học Điện lực thông báo tuyển dụng viên chức năm 2024

Nhân sự 12/11: Bộ Chính trị điều động lãnh đạo; Thái Bình, Trà Vinh, Đắk Nông bổ nhiệm Giám đốc Sở

Nhân sự 11/11: Thủ tướng ký quyết định nhân sự Bộ Quốc phòng, tân Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An là ai?

Bộ Nội vụ thông tin về lệ phí thi tuyển, xét tuyển công chức

Nhân sự Trung ương: Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông điều động nhân sự lãnh đạo

Luật Việc làm (sửa đổi): Kỳ vọng cho thị trường lao động bền vững

Hỗ trợ việc làm cho người lao động ngoài nước trở về

4 công việc phổ biến dành cho tân sinh viên muốn có thêm thu nhập

Nhân sự 8/11: Bộ Quốc phòng sáp nhập hai Cục; Ban Tuyên giáo Trung ương bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt

Nhân sự 7/11: Công bố lý do đề nghị kỷ luật Đảng đối với hai cựu cán bộ tỉnh Kiên Giang

Nhân sự 6/11: Bộ Công an điều động Giám đốc Công an tỉnh; Thứ trưởng Bộ Y tế nhận nhiệm vụ mới