VinaCapital dừng thương vụ hợp tác đầu tư với Ba Huân
Trứng sạch Ha Huân là thương hiệu quen thuộc của người tiêu dùng hàng chục năm nay tại hệ thống bán lẻ hiện đại và chợ truyền thống trên cả nước |
Theo thông báo của VinaCapital, các hợp đồng chính thức được soạn thảo bằng tiếng Anh và tất cả các bên rà soát, ký kết vào tháng 2/2018. Các hợp đồng chính thức cùng tất cả tài liệu quan trọng đều được dịch sang tiếng Việt, không có sự khác biệt về nội dung giữa bản tiếng Anh và tiếng Việt. VinaCapital hoàn toàn không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Công ty CP Ba Huân. Việc này cũng không nằm trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn từ trước đến nay.
Ngày 6/8, truyền thông loan tin về thương vụ hợp tác giữa Công ty CP Ba Huân và Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý gặp một số vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, gây bất lợi cho phía Công ty CP Ba Huân.
Do vậy, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ nhằm chấm dứt hợp tác với VinaCapital để bảo vệ quyền lợi chính đáng và giữ thương hiệu của doanh nghiệp. Theo bà Phạm Thị Huân, thay vì mục tiêu hợp tác và phát triển, VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân.
Theo đó, Công ty CP Ba Huân đã đề nghị chấm dứt hợp tác nhưng phía VinaCapital có hành động trì hoãn, gây khó khăn như yêu cầu phải thanh toán khoản phí phát sinh dựa trên mức lãi suất 22% cho các khoản đầu tư mua cổ phần phát hành thêm, trong khi thực tế khoản tiền trên vẫn đang được giữ lại tài khoản do VinaCapital kiểm soát.
Theo Công ty CP Ba Huân, thỏa thuận được công bố vào tháng 2/2018, Quỹ Vietnam Opportunity Fund đầu tư 32,5 triệu USD, tương đương 730 tỷ đồng để mua 33,77% cổ phần Công ty CP Ba Huân. Hai bên ký hợp đồng chính thức bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, hợp đồng tiếng Anh đã được ký. Nhưng khi hợp đồng bằng tiếng Việt được đưa ra, phía Công ty CP Ba Huân phát hiện một số điều khoản Quỹ Vietnam Opportunity Fund đưa ra có nhiều điểm bất lợi cho phía Công ty CP Ba Huân.
Cụ thể, Quỹ Vietnam Opportunity Fund tự đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư là 22% và giới hạn ngành nghề kinh doanh của Công ty CP Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh thịt gà và trứng gà, loại bỏ các ngành kinh doanh khác. Quỹ Vietnam Opportunity Fund cũng quy định nếu Công ty CP Ba Huân không đạt được kết quả như trên sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần công ty.
Công ty CP Ba Huân thành lập năm 2001, hiện sản phẩm của doanh nghiệp này chiếm hơn 30% thị phần trứng gia cầm tiệt trùng ở Việt Nam. Bà Phạm Thị Huân cho biết, Công ty CP ba Huân mỗi ngày cung cấp hơn 1,7 triệu quả trứng, 15.000 con gà và chế biến 25 tấn thịt gà. Sản phẩm của công ty được phân phối tới hơn 2.000 đại lý, điểm bán hàng trên toàn quốc. Doanh thu trong năm 2018 dự kiến đạt khoảng 90 triệu USD.
Tính đến cuối năm 2017, Công ty CP Ba Huân đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng để xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn, trong đó vốn chủ sở hữu trên 300 tỷ đồng. Công ty cũng đang là chủ của trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao rộng 18ha, tổng đàn chăn nuôi 1 triệu con; một nhà máy chế biến thực phẩm 7ha, tổng công suất 50 tấn/ngày ở Long An; một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ ở Bình Dương; một nhà máy xử lý trứng gia cầm 2ha, công suất 185.000 trứng/giờ tại TP. Hồ Chí Minh; một nhà máy xử lý, chế biến trứng gia cầm công nghệ cao 2ha, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ tại Hà Nội.