Chuyên gia VinaCapital: Yếu tố tiêu cực tác động lên thị trường chứng khoán đã giảm
Chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm 16% từ giữa tháng 9/2023 đến cuối tháng 10/2023 và mới có dấu hiệu tăng trở lại từ cuối tuần qua, dù nền kinh tế của Việt Nam hiện đang phục hồi kể từ đợt suy giảm đầu năm nay.
Lý do của việc cổ phiếu bị bán tháo dẫn đến mức giảm của thị trường được các chuyên gia của VinaCapital chỉ ra rằng: Thứ nhất, do sự mất giá của tiền VND làm dấy lên mối lo ngại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó với sự mất giá, đồng thời cũng thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài bán ra.
Thứ hai, những vấn đề đặc thù liên quan đến trái phiếu hoán đổi trị giá 250 triệu USD của tập đoàn Vingroup (VIC), sẽ có thể hoán đổi thành cổ phiếu Vinhomes (VHM) - (VIC và VHM chiếm khoảng 10% VN-Index).
Cụ thể, giá cổ phiếu của VinGroup (VIC), tập đoàn lớn nhất Việt Nam, tăng khoảng 40% từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, trước khi công ty xe điện thành viên của tập đoàn này niêm yết tại Mỹ (ngày 15/8), sau đó các nhà đầu tư đã bán/chốt lời cổ phiếu VIC và công ty thành viên phát triển bất động sản Vinhome (VHM).
Chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm 16% từ giữa tháng 9/2023 đến cuối tháng 10/2023 |
Vào cuối tháng 10, VIC công bố việc phát hành trái phiếu hoán đổi trị giá 250 triệu USD và có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu VHM (công ty bất động sản thành viên) với giá hoán đổi là 51.635 -53.880 đồng mỗi cổ phiếu. Giá cổ phiếu VHM đã giảm hơn 10% quanh mốc thời gian mà trái phiếu hoán đổi mới, với mức lãi suất 10% và đáo hạn vào năm 2028, được công bố vào ngày 26/10 vừa qua, có thể nhìn thấy ở biểu đồ bên phải phía trên. Sự sụt giảm đó cũng đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư đối với cổ phiếu VIC.
“Chúng tôi cũng muốn lưu ý rằng, các nhà đầu tư lớn nhất vào trái phiếu chuyển đổi trên thế giới thường được gọi là các quỹ đầu cơ. Họ sẽ mua các trái phiếu chuyển đổi và bán khống cổ phiếu. Mặc dù việc bán khống cổ phiếu ở Việt Nam được xem là bất hợp pháp, tuy nhiên phương pháp thuyết định giá của Bloomberg, nếu những nhà đầu cơ trái phiếu mua hết số trái phiếu trị giá 250 triệu USD thì họ cần bán đi xấp xỉ 175 triệu USD cổ phiếu VHM để giảm thiểu rủi ro. Điều đó cho thấy, việc bán với mục đích phòng hộ của các quỹ có xu hướng tạm thời, xảy ra chủ yếu trong khoảng thời gian mà quỹ mua trái phiếu chuyển đổi ở mức “rẻ”. Kết quả cuối cùng của tất cả những điều trên là giá cổ phiếu của VIC hiện thấp hơn mức quá trình chuẩn bị niêm yết Vinfast và giá cổ phiếu của VHM đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ khi IPO vào 5 năm trước”- chuyên gia của VinaCapital phân tích.
Thứ ba, lệnh bán giải chấp của các công ty chứng khoán, cộng với tin đồn về việc kiểm soát một số nguồn cho vay ký quỹ không chính thức dường như đã thúc đẩy việc cổ phiếu bị bán tháo trong ngày 17/10/2023.
Theo chuyên gia VinaCapital, từ đầu tháng 9, các công ty chứng khoán tại Việt Nam đã bắt đầu giảm hạn mức cho vay ký quỹ đối với nhà đầu tư cá nhân bởi những lo ngại về khả năng chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt tại Việt Nam, cùng với các rủi ro gia tăng khác. Động thái bán giải chấp của các công ty chứng khoán góp phần dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu vay ký quỹ một cách nhanh chóng vào cuối ngày giao dịch 17/10.
Ngoài những yếu tố cụ thể trên, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 60 điểm cơ bản từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10 và các vấn đề địa chính trị cũng tạo sức ép lên thị trường chứng khoán của các thị trường mới nổi. Hơn nữa, đánh giá chung về lợi nhuận quý 3 không mấy khả quan cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy, hầu như tất cả các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán đã báo cáo lợi nhuận quý 3 và kết quả có phần gây thất vọng vì thấp hơn mức kỳ vọng gần 10%. Điều này càng làm ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư, mặc dù VinaCapital không tin rằng đây là một trong những yếu tố chính khiến thị trường chứng khoán sụt giảm trong những tuần gần đây.
Cuối cùng, sự mất giá khoảng 4% so với đầu năm của VND vào cuối tháng 10 là do chỉ số USD/DXY tăng 6-7% từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trong nửa đầu năm khiến lãi suất ngắn hạn trong nước giảm kỷ lục 500 điểm cơ bản so với lãi suất USD ngắn hạn. Tỷ giá USD-VND đã giảm 0,7% vào ngày 15/8, là mức giảm giá trong ngày lớn nhất gần một năm qua, cuối cùng đã thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam siết nhẹ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường giữ tỷ giá VND trong biên độ cộng-trừ 3% hàng năm, và đến cuối tháng 9, đồng tiền này đã giảm khoảng 3%).
Dù vậy, theo VinaCapital, tập đoàn này kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận EPS (khoản lợi nhuận sau thuế mà các nhà đầu tư chứng khoán thu được tính trên 1 cổ phiếu) sẽ phục hồi 35% so với cùng kỳ trong quý 4 năm 2023 và tăng 20% trong năm 2024, phần lớn do đợt suy giảm của nền kinh tế Việt Nam vào đầu năm nay rõ ràng đã kết thúc.
“Theo quan điểm của chúng tôi điểm mấu chốt là tất cả các yếu tố tiêu cực nhất lúc này đã hoặc đang giảm bớt và triển vọng hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng tới được hỗ trợ bởi tăng trưởng lợi nhuận phục hồi, nền kinh tế phục hồi và định giá rẻ của thị trường”- ông Michael Kokalari - CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital cho biết.