Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc
Năm 2017, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 4 triệu lượt, chiếm khoảng 30% trong gần 13 triệu khách quốc tế của cả nước. Trong 8 tháng của năm 2018 có hơn 3,4 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, nếu vẫn đạt khoảng 400.000 lượt khách đến mỗi tháng như thời gian gần đây, thì trong năm nay lượng khách Trung Quốc sẽ đạt con số kỷ lục, hơn 5 triệu. Chỉ tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, có khoảng 500.000 lượt khách Trung Quốc đến trong 7 tháng đầu năm, tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Thông tin trên được Ban tổ chức “Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Trung Quốc” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, ngày 6/9, tại TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị này nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2018 (ITE HCMC 2018).
Du khách Trung Quốc đang tìm hiểu và chọn tour du lịch khuyến mại tại hội chợ |
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, hội nghị là cơ hội để cơ quan du lịch quốc gia 2 bên, các địa phương và doanh nghiệp (DN) du lịch trao đổi, thảo luận nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động du lịch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách du lịch.
Đại diện ngành du lịch Trung Quốc cho hay, năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp du khách Trung Quốc đứng đầu thế giới về chi tiêu khi đi du lịch nước ngoài đạt 110 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam đã dần trở thành điểm đến ưa thích của khách Trung Quốc, đặc biệt Nha Trang được du khách nước này xếp vào 3 điểm đến ưa thích nhất về du lịch biển...
Du khách tham khảo đường bay khuyến mại tại hội chợ ITE HCMC 2018 |
Ở chiều ngược lại, ngày càng nhiều người Việt Nam chọn Trung Quốc là điểm đến cho những chuyến du lịch của mình, trở thành thị trường nguồn khách lớn thứ 2 của Trung Quốc. Theo báo cáo của Tổ chức du lịch thế giới, năm 2016 có 3,1 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc.
Tại hội nghị, các DN lữ hành và cơ quan quản lý của Việt Nam và Trung Quốc đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác, tăng luồng khách du lịch và tạo điều kiện cho người dân 2 nước đi du lịch lẫn nhau.
Các đại biểu đều cho rằng, hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần chung tay giải quyết như quản lý tour giá rẻ, quản lý điểm đến đảm bảo an ninh, anh toàn, chất lượng, các vấn đề về phát triển sản phẩm mới, điểm đến mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng thị trường khách; ứng dụng công nghệ trong chia sẻ, kết nối và gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách...