Việt Nam – New Zealand: Hợp tác tham vấn các vấn đề trong khuôn khổ IPEF
Khuôn khổ IPEF được thiết kế để phục vụ cho Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Chiến lược này được Hoa Kỳ công bố ngày 11/2/2022 hướng tới 5 mục tiêu chính bao gồm tự do và rộng mở; kết nối; thịnh vượng; an ninh; và có sức chống chịu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, khuôn khổ hợp tác IPEF cần có sự linh hoạt về cách thức tham gia, mức độ tham gia... |
Liên quan đến sáng kiến của Hoa Kỳ về xây dựng khuôn khổ hợp tác IPEF, tại buổi điện đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, sáng kiến của Hoa Kỳ gồm nhiều vấn đề mới, phi truyền thống mà hiện nay Việt Nam quan tâm như tăng cường chuỗi cung ứng, đầu tư hạ tầng, môi trường… Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nói chung và nhiều nước ASEAN khác đang bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch, Bộ Ngoại giao Việt Nam đang tích cực tham vấn nội bộ về các vấn đề trong khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đề xuất. Trong đó, các cấu phần liên quan đến kinh tế sẽ do Bộ Công Thương phụ trách.
“Do nội dung của khuôn khổ này khá đa dạng, bao gồm nhiều vấn đề mới. Vì vậy, theo quan điểm của Việt Nam, khuôn khổ cần có sự linh hoạt về cách thức tham gia, mức độ tham gia, cũng như nội dung, nội hàm cụ thể của khuôn khổ cần có sự linh hoạt, điều chỉnh phù hợp với thể chế, mối quan tâm và lợi ích của mỗi nước tham gia.”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Được biết, theo kế hoạch của Hoa Kỳ, dự kiến khuôn khổ này sẽ được công bố tại 1 sự kiện cuối tháng 3 do Tổng thống Biden chủ trì, có mời quan chức cấp cao của các nước tham dự. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, quan điểm của Việt Nam, các nước cần có đủ thời gian để làm rõ nội hàm của khuôn khổ, từ đó có quyết định tham gia hay không. Đặc biệt do Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ được lùi thời gian, nên cần tính toán cân nhắc phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại buổi điện đàm |
Về thành phần tham gia, do khuôn khổ định hình sự hợp tác nhiều mặt giữa các nước trong khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương nên cần có sự tham gia đa dạng càng nhiều càng tốt của các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng New Zealand và các nước hỗ trợ kỹ thuật cho các bộ, ngành Việt Nam đặc biệt ở lĩnh vực mới, đồng thời hy vọng 2 bên hợp tác chặt chẽ để xây dựng quan điểm và có tiếng nói với Hoa Kỳ cũng như các nước khác, nhất là những lĩnh vực có cùng mối quan tâm như nông nghiệp…
Về phía New Zealand, Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor cũng mong muốn được hợp tác để cùng xây dựng quan điểm và có tiếng nói với Hoa Kỳ về vấn đề này.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ này còn nhiều vấn đề cần làm rõ cả về nội dung và nội hàm. Vì vậy, hai bên đều cho rằng, việc xây dựng khuôn khổ hợp tác này cần sự tham vấn ở cấp cao hơn.
Ngày 1/12/2021, Đại diện Bộ Ngoại giao và Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã trao cho Đại sứ quán Việt Nam “Tài liệu Khái niệm Đối tác kinh tế tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Tài liệu là bước đi cụ thể hóa ý tưởng về thành lập một khuôn khổ đối tác kinh tế tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Tổng thống Biden đã nêu tại các Hội nghị Cấp cao Đông Á (tháng 10/2021) và APEC (tháng 11/2021). Tháng 2/2022, Hoa Kỳ tiếp tục gửi cho Việt Nam tài liệu “Dự thảo Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” điều chỉnh và tích hợp một số nội dung trong khuôn khổ hợp tác này. Tài liệu này đề cập đến 4 trụ cột mà Hoa Kỳ mong muốn hướng tới trong khuôn khổ hợp tác kinh tế với các nước, gồm thương mại công bằng và có sức chống chịu; khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và phi cacborn hóa và thuế và chống tham nhũng. Đây là khuôn khổ được xây dựng với phạm vi rộng và tiêu chuẩn cao. |