Chủ nhật 17/11/2024 22:16

Việt Nam mất 0,1 tỷ USD do cơ chế CBAM vào năm 2030

Theo tính toán đến năm 2030, GDP của Việt Nam sẽ mất 0,1 tỷ USD do Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (EU-CBAM) đối với một số mặt hàng xuất khẩu.

Báo cáo Đánh giá tác động của Cơ chế điều chỉnh Biên giới carbon (Cơ chế CBAM) của EU và Khuyến nghị về Chính sách Thuế carbon đối với Việt Nam do UNOPs và Cục biến đổi khí hậu Việt Nam phối hợp thực hiện đã đưa ra một góc nhìn cũng như đánh giá tác động của CBAM tới kinh tế vĩ mô và việc thực hiện mục tiêu NDC của Việt Nam.

GDP có thể mất 0,1 tỷ USD vào năm 2030 do cơ chế CBAM. Ảnh: VNSteel

Báo cáo cho rằng, nếu chúng ta hoàn thành việc định giá carbon thì nền kinh tế sẽ đạt được mục tiêu kép nhờ thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng.

GDP sụt giảm 0,1 tỷ USD vào năm 2030

Bà Nguyễn Hồng Loan – Chuyên gia tư vấn Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM của EU và đề xuất chính sách thuế carbon cho Việt Nam – cho biết: Khi EU chính thức áp dụng Cơ chế CBAM với Việt Nam vào 2027, doanh nghiệp xuất khẩu các loại hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của EU-CBAM sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, các tác động này là không đáng kể so với quy mô của nền kinh tế Việt Nam do các ngành phải chịu CBAM chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế.

Theo số liệu của báo cáo, trong năm 2019, đóng góp của cả 4 ngành phải chịu CBAM vào GDP của Việt Nam (thép, nhôm, phân bón, xi măng) chỉ chiếm 3,2%. Trong số đó chỉ có khoảng 12,6% tổng sản lượng của các ngành này được xuất khẩu. Lượng hàng hóa chịu CBAM xuất khẩu sang EU cũng chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phải chịu CBAM của Việt Nam (8% đối với sắt thép, 2% đối với nhôm, gần 0% đối với phân bón và 1% đối với xi măng).

Nếu CBAM chỉ được áp dụng tại thị trường EU, GDP Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 0,1 tỷ USD vào năm 2030 và 0,2 tỷ USD vào năm 2035 (tính theo giá trị vào 2019).

"Để giảm bớt thiệt hại về tỷ trọng xuất khẩu khi EU áp dụng Cơ chế CBAM, Việt Nam có thể phân bổ lại nguồn lực ra khỏi các ngành bị ảnh hưởng để giảm các tác động tiêu cực. Nhưng nếu không thực sự hành động để giảm lượng phát thải khí nhà kính, Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu NDC vào năm 2030"- bà Loan khuyến nghị.

Bà Nguyễn Hồng Loan tại chương trình tập huấn cho các cán bộ quản lý nhà nước về thị trường carbon và hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) vào tháng 3 /2024 tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hường

Theo phân tích của nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo, do các ngành chịu tác động của CBAM chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế nên nếu CBAM chỉ được áp dụng cho các ngành mục tiêu hiện tại (4 mặt hàng nhập khẩu vào EU) thì lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch của Việt Nam dù được dự báo là sẽ giảm khi CBAM được áp dụng nhưng các tác động trực tiếp của CBAM đối với việc thực hiện NDC của Việt Nam sẽ là không đáng kể.

Hiện tại, lượng phát thải trung bình ước tính từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch của Việt Nam là trên dưới 538 triệu tấn CO2 vào năm 2030 với khoảng tin cậy 95%. Trong khi đó mục tiêu NDC (đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu) của Việt Nam như Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu đề ra năm 2030 là 457 triệu tấn CO2.

Giới hạn cận dưới của khoảng tin cậy 95% vẫn cao hơn so với mục tiêu NDC năm 2030, do vậy có khả năng rất cao là Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu trên. Vì vậy, báo cáo đã đưa ra khuyến cáo Việt Nam nên xem xét áp dụng các chính sách định giá carbon hoặc giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô rộng hơn (không chỉ trong 4 nhóm ngành xuất khẩu) nhằm đạt được các mục tiêu trong NDC và phát thải ròng bằng 0”- bà Loan cho hay.

Nếu định giá carbon được thực hiện cùng với EU-CBAM nhưng cường độ phát thải trong tất cả các ngành không thay đổi thì GDP của Việt Nam ước tính năm 2030 sẽ giảm 6,4 tỷ USD (1%) và 11,1 tỷ USD (1,2%) vào năm 2035 (giá trị theo năm 2019). Chỉ số giá nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng 5,2% vào năm 2030 và 5,3% vào năm 2035. Số việc làm sẽ giảm 0,5% vào năm 2030 và 0,6% vào năm 2035.

Xuất khẩu ròng sẽ giảm, nhưng do GDP cũng giảm nên tỷ lệ xuất khẩu ròng trên GDP sẽ vẫn ổn định. Doanh thu ước tính từ thuế carbon sẽ đạt 4,4 tỷ USD vào năm 2030 và 6,0 tỷ USD vào năm 2035 (giá trị theo năm 2019).

Mặc dù không trực tiếp khiến lượng phát thải carbon của Việt Nam giảm nhiều, nhưng CBAM vẫn là yếu tố khuyến khích các nhà sản xuất thuộc các ngành phải chịu CBAM giảm cường độ phát thải. Qua đó, họ sẽ được hưởng lợi do được giảm chi phí mua chứng chỉ CBAM.

Trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng và phát triển carbon thấp, CBAM có thể là một lý do bổ sung cho việc áp dụng định giá carbon khi nhìn từ góc độ tạo nguồn thu cho chính phủ.

Bởi các nhà sản xuất của Việt Nam thuộc các ngành phải chịu CBAM sẽ trả phí CBAM cho hoạt động xuất khẩu của họ và nếu không có định giá carbon ở Việt Nam, tất cả doanh thu này sẽ về tay EU.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam hoàn thành việc định giá carbon, một phần doanh thu từ CBAM sẽ được nộp về ngân sách nhà nước.

"Nói cách khác, nếu có thể định giá carbon đối với việc xuất khẩu hàng hóa CBAM sang EU thì doanh thu của chính phủ gia tăng mà không ảnh hưởng tiêu cực tới các điều kiện kinh tế của nhà sản xuất"- bà Loan cho hay.

Nếu tác động này lan rộng ra các ngành khác thì cường độ phát thải của toàn bộ nền kinh tế sẽ giảm xuống. Nhóm nghiên ước tính rằng nếu cường độ phát thải của nền kinh tế có thể giảm 1 - 1,5%/năm như đã nêu trong Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam thì lượng phát thải ước tính từ các nguồn năng lượng hóa thạch vào năm 2030 sẽ là 517 triệu tấn CO2, thấp hơn một chút so với con số 538 triệu tấn CO2 trong kịch bản NDC.

Tóm lại, mặc dù tác động trực tiếp của CBAM đối với việc thực hiện NDC của Việt Nam có thể không lớn, nhưng cơ chế này có thể tạo động lực cho những cải cách có tác động đáng kể đối với việc thực hiện NDC.

Giảm tác động của CBAM bằng cách nào?

Bà Loan cho biết: Trong báo cáo chúng tôi đưa nhận định rằng, nếu chúng ta thực hiện được song song cả CBAM và định giá carbon, quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy và bức tranh tác động tiêu cực của các cơ chế này đối với GDP sẽ thay đổi.

Cùng với nhôm, xi măng và phân bón, ngành thép sẽ phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính thông qua chuyển dịch năng lượng để thực thi CBAM. Ảnh: MH

Cụ thể, nếu phương án CBAM và định giá carbon có thể giảm thành công cường độ phát thải từ 1% - 1,5% (như đã nêu trong Quyết định 1658/QĐ-TTg 2021) thì tác động tiêu cực ước tính lên GDP năm 2030 sẽ giảm từ 6,4 tỷ xuống còn 5 tỷ và giảm từ 11,1 tỷ xuống còn 7,5 tỷ vào năm 2035 (theo giá trị năm 2019).

Tính theo tỷ lệ phần trăm, mức thiệt hại GDP ước tính tương ứng sẽ giảm từ 1% xuống 0,8% vào năm 2030 và tiếp tục giảm từ 1,2% xuống 0,9% vào năm 2035.

Với cường độ phát thải không thay đổi, lượng phát thải trung bình của các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh áp dụng định giá carbon ước tính sẽ là 396 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

"Tuy nhiên, việc định giá carbon sẽ thúc đẩy giảm lượng phát thải trung bình của các nguồn nhiên liệu hóa thạch ước tính xuống còn 379 triệu tấn CO2 vào năm 2030, đồng thời cung cấp tín hiệu giá để phân bổ lại tài nguyên cho các ngành có cường độ phát thải thấp hơn trong nền kinh tế"- bà Loan khẳng định.

Như vậy, việc áp dụng các chính sách định giá carbon sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép là không chỉ giảm thiểu các tác động tiêu cực của CBAM mà còn thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, đạt được các mục tiêu trong NDC và Net-Zero cũng như các lợi ích khác về môi trường, sức khỏe...

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Cơ chế CBAM

Tin cùng chuyên mục

Không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn 100% khi khám sức khỏe lái xe

Bão Manyi sắp vào Biển Đông, Bộ NN&PTNT chỉ đạo ứng phó

Thêm cơ sở để áp thuế VAT 5% với phân bón

Lễ trao tặng danh hiệu 'Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú': Tôn vinh những 'người gieo chữ'

Giải Golf Suntory PepsiCo gây quỹ gần 3 tỷ đồng cho bệnh nhi ung thư

Đà Nẵng: Tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu và học sinh 3 tốt, 3 rèn luyện

Khách hàng TP. Hồ Chí Minh trúng Vietlott Mega 6/45 gần 46 tỷ đồng

Thanh Hóa tổ chức cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc

Nhân sự địa phương: Hà Nội, Nam Định bổ nhiệm cán bộ; tân Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An là ai?

Thời tiết biển hôm nay 17/11/2024: Có gió mạnh sóng lớn và mưa dông

Thời tiết hôm nay 17/11/2024: Chiều tối và đêm nay các tỉnh Miền Bắc trời trở rét

Cập nhật thông tin về siêu bão Man-yi: Dự báo trở thành cơn bão số 9

Dự báo thời tiết hôm nay 17/11/2024: Bắc Bộ sáng sớm có sương mù

Cảnh giác khi mua đá thiên thạch trên không gian mạng

Ra mắt chuyên trang và trao giải cuộc thi giải pháp cải cách hành chính Thành phố Hà Nội năm 2024

Quảng cáo thổi phồng 'trị đái tháo đường bằng 1 liệu trình' lừa dối người bệnh

Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh trao bằng tốt nghiệp cho 2.245 tân thạc sĩ, kỹ sư và cử nhân

Bàn giao chức trách, nhiệm vụ Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân

Không khí lạnh sắp tràn về, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nơi dưới 15 độ C

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội công bố các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc gia, quốc tế