Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước Có nên bỏ quy định các doanh nghiệp nhà nước phải sắp xếp lại nhà, đất? |
Tuy nhiên qua Báo cáo tài chính năm 2022 và hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 129 đơn vị thuộc 11 tập đoàn, tổng công ty, cho thấy việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế. Để giúp độc giả có cái nhìn xuyên suốt về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Trước hết, xin ông chia sẻ đánh giá của mình về vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công?
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế |
Theo Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành, Kiểm toán Nhà nước có chức năng rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá là chức năng kép, vừa là “người lính gác cổng” tin cậy trong quản lý thực tiễn, vừa là “mưu sĩ” để tư vấn hoàn thiện pháp lý. Với tính chất đó, Kiểm toán Nhà nước có đối tượng kiểm toán là quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Đơn vị được kiểm toán là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công… thông qua các hoạt động chuyên môn như: Kiểm toán tài chính, Kiểm toán tuân thủ và Kiểm toán hoạt động, có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị, nhằm xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính, quyết toán; cũng như đánh giá phát hiện ra những báo cáo chưa tuân thủ, tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực dự án… có liên quan.
Chúng tôi đánh giá hiệu quả của hoạt động kiểm toán rất cao. Đơn cử trong vòng 5 năm qua theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã được xác nhận bởi cơ quan chức năng của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã phát hành trên 1.000 báo cáo kết luận kiểm toán và có những kiến nghị liên quan đến 1/3 triệu tỷ đồng, vừa tăng thu, vừa giảm chi cho ngân sách nhà nước, có kiến nghị hơn 1.000 văn bản pháp lý cần phải bổ sung điều chỉnh…
Tất cả điều đó giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, giảm bớt những nguồn thu không hợp lý mà doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nguồn tài chính công báo lên. Quan trọng hơn, giúp hoàn thiện hệ thống pháp lý, để từ đó làm tăng hiệu quả quản lý nhà nước đối với tài sản công, tài chính công.
Riêng đối với doanh nghiệp Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước bên cạnh hoạt động kiểm toán như vậy còn tập trung vào xác định giá trị của doanh nghiệp Nhà nước trước khi cổ phần hóa, cũng như kiểm toán các hoạt động tuân thủ của những đơn vị này kể cả từ khâu chủ trương đầu tư, phân bổ ngân sách, duyệt, đấu thầu, thực hiện triển khai, quyết toán… Tất cả hoạt động đó giúp doanh nghiệp rà soát được những lỗ hổng. Đồng thời hiểu đúng và tuân thủ đúng những quy định của pháp luật; ngăn chặn sớm từ xa hoặc tránh lặp lại những sai phạm mà mình đã mắc hoặc các đơn vị khác đã mắc.
Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 129 đơn vị thuộc 11 tập đoàn, tổng công ty. Bên cạnh kết quả tích cực, qua kiểm toán cũng chỉ ra nhiều sai sót ở doanh nghiệp, theo ông, điều này tiềm ẩn nguy cơ, hệ lụy gì cho doanh nghiệp và nền kinh tế?
Trong thực tiễn vẫn còn đâu đó doanh nghiệp tái phạm khuyết điểm hoặc những khuyết điểm đó lặp lại ở các đơn vị khác. Điều này qua quan sát cũng như tiếp xúc trực tiếp với bên kiểm toán nhiều năm nay chúng tôi thấy có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân quan trọng liên quan đến vấn đề thể chế, đó là tính hiệu lực, chế tài của việc tuân thủ các kết luận của kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về các tồn tại, bất cập. Ảnh: H.Lan |
Hiện nay theo quy định, Kiểm toán Nhà nước chỉ phát hiện, sau đó kết luận và kiến nghị chứ không có biện pháp chế tài thực hiện. Mặc dù có quy định các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước phải thực hiện ngay bởi đơn vị chức năng được kiểm toán hoặc các đơn vị có liên quan song do chế tài không có do vậy Kiểm toán Nhà nước lại phải theo dõi, nếu họ chưa thực hiện thì kiến nghị thực hiện. Toàn bộ quá trình này có thể phát sinh những kẽ hở khiến doanh nghiệp có thể lờ đi hoặc vì lợi ích nào đó họ cố tình lặp lại, trong khi chế tài phạt không nhiều…
Theo ông, nguyên nhân dẫn đến những sai sót của doanh nghiệp là gì? Việc doanh nghiệp vẫn sai sót sau kiểm toán nên nhìn nhận ra sao?
Trước hết phải nhìn nhận việc doanh nghiệp sai sót có nhiều lý do, trong đó bao gồm cả lý do bên ngoài và bên trong của doanh nghiệp. Bên ngoài thường người ta hay nghĩ đến đầu tiên là chất lượng văn bản. Chất lượng văn bản tạo ra những cách hiểu khác nhau, nhiều khi khiến doanh nghiệp hiểu không đúng.
Thứ hai rất quan trọng đó là mục tiêu, trình độ, năng lực của người vận dụng, thực hiện, cộng với chế tài thực hiện không nghiêm, dẫn đến những sai phạm lặp đi lặp lại kể cả những lần sau. Những sai phạm đó có thể tạo ra kẽ hở cho tham nhũng, tạo tiền lệ xấu, thất thoát lớn nguồn lực của nhà nước, xã hội.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, theo ông những phát hiện kiểm toán chỉ ra có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp được kiểm toán nếu thực hiện theo đúng kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước?
Như tôi đã chia sẻ, Kiểm toán Nhà nước hoạt động theo nguyên tắc liêm chính, độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và hội nhập. Nguyên tắc đó rất quan trọng, nếu làm đúng nguyên tắc và năng lực trách nhiệm, tuân thủ đạo đức công vụ của Kiểm toán Nhà nước được đảm bảo thì chắc chắn chất lượng các đợt kiểm toán rất đúng, rất tốt. Và những luật đó nếu thực hiện nghiêm từ phía đơn vị chấp hành là doanh nghiệp, cơ quan chức năng quản lý thì chắc chắn hiệu ứng, hiệu quả rất tốt.
Chúng tôi cho rằng, một trong những vấn đề cần được làm sớm, làm tốt, đó là với những dự án quan trọng, với những doanh nghiệp nhà nước đang tham gia dự án quan trọng thì phải cho kiểm toán ngay từ đầu, từ khâu chủ trương đầu tư, lập dự án tiền khả thi… để ngăn chặn từ sớm, từ xa những sai phạm có thể hoặc là bóc tách làm sạch bộ máy có thể, để từ đó chúng ta không chạy đuổi theo hậu quả.
Đối với những doanh nghiệp cố tình sai phạm thì cần có giải pháp gì thưa ông?
Trong Luật Kiểm toán đã quy định rất rõ kết luận của kiểm toán có hiệu lực tức thì và buộc phải tuân thủ, trong quá trình khiếu nại thì vẫn phải tuân thủ. Nhưng nếu không tuân thủ thì sao? Đây là điều rất đáng tiếc, vì chúng ta vẫn chưa có chế tài. Cho nên những hành vi lặp đi lặp lại đó một là do nhận thức, hai là do ý thức, ba là do lợi ích của đơn vị trong cuộc, người bị kiểm toán, người bị kết luận kiến nghị chi phối hành vi này, đây là điều rất đáng tiếc, vì Kiểm toán Nhà nước không có cơ chế nào để chế tài cho việc không thực hiện này. Họ chỉ theo dõi thực hiện kết luận, nếu không thực hiện thì họ tiếp tục kiến nghị thực hiện.
Theo cá nhân tôi, đây là câu hỏi dành cho pháp luật, đã đến lúc chúng ta phải bổ sung trong Luật Kiểm toán nếu đơn vị chức năng được kết luận mà không thực hiện kết luận. Theo tôi, trong các quy định tới đây để xử lý các đơn vị chây ì hoặc lặp đi lặp lại các sai phạm thì thứ nhất phải chuyển hồ sơ lên cơ quan chức năng ngay lập tức nếu lần thứ 2 không thực hiện; thứ hai là Kiểm toán Nhà nước có quyền kiến nghị, thậm chí kiến nghị vượt cấp, có những kiến nghị cụ thể để cơ quan chức năng và chủ quản của doanh nghiệp nhà nước đó vào cuộc ngay trong khi chờ kết luận của công an; thứ ba có lẽ thời gian tới phải nghiên cứu để bổ sung thêm cho Kiểm toán Nhà nước một chế tài nào đó để tạo ra hiệu lực pháp lý trong vấn đề thực hiện kết luận mà mình đã kiến nghị.
Nhằm góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, an toàn cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển, ông có khuyến nghị gì?
Một môi trường minh bạch theo tôi cần có sự phân định các mục tiêu hoạt động, phân định môi trường đầu tư và hoạt động cho những doanh nghiệp nhà nước có những mục tiêu hoạt động khác nhau sẽ bình đẳng hơn, tránh trường hợp doanh nghiệp phi lợi nhuận mà ép theo hoạt động kiểu lợi nhuận và ngược lại. Cho nên điều đầu tiên phải bảo đảm minh bạch trong môi trường đầu tư của các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau.
Vấn đề thứ hai là tăng cường thông tin, hướng dẫn môi trường kinh doanh thực sự kỹ, đứng từ góc độ doanh nghiệp. Văn bản phải mang tính pháp luật rất rõ, công khai minh bạch để ai cũng hiểu được. Việc minh bạch hóa môi trường, minh bạch hóa pháp luật, minh bạch hóa các điều khoản rất quan trọng.
Thứ ba là vấn đề khai mẫu để tạo ra sự thống nhất trong quá trình tuân thủ. Bên cạnh đó là việc đào tạo, bao gồm đào tạo cả cán bộ quản lý, cán bộ cấp vi mô, doanh nghiệp, để cả hai bên đều có trình độ tương đồng sẽ dễ hiểu được nhau…
Xin cảm ơn ông!