Việt Nam đã nhập khẩu bao nhiêu hồ tiêu từ thị trường Brazil?
Theo số liệu của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil, xuất khẩu hồ tiêu của Brazil trong tháng 6 vừa qua đạt 5.333 tấn, trị giá 22,9 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và 9,4% về trị giá so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tăng 7,4% về lượng và tăng tới 45,8% về trị giá.
Việt Nam đã nhập khẩu bao nhiêu hồ tiêu từ thị trường Brazil? |
Tính chung 6 tháng đầu năm, Brazil đã xuất khẩu 37.181 tấn hồ tiêu với trị giá 141,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 6% về lượng nhưng vẫn tăng tới 21,4% về trị giá nhờ giá tăng cao.
Bình quân 6 tháng đầu năm, giá tiêu xuất khẩu của Brazil đạt 3.810 USD/tấn, tăng 29,3% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 6 đạt 4.300 USD/tấn, mức cao nhất ghi nhận được trong nhiều năm trở lại đây.
Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới đang là khách hàng lớn nhất của ngành tiêu của Brazil. Trong nửa đầu năm nay, Brazil đã xuất khẩu 5.910 tấn hồ tiêu tới Việt Nam, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 16% tổng lượng tiêu xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này.
Giá tiêu xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam đạt bình quân 3.488 USD/tấn, tăng 19% so với nửa đầu năm ngoái, nhưng thấp nhất trong số 15 quốc gia nhập khẩu tiêu hàng đầu từ Brazil. Đồng thời thấp hơn đáng kể so với mức giá xuất khẩu bình quân 4.454 USD/tấn của Việt Nam ra thị trường quốc tế trong cùng thời gian.
Các thị trường xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu khác của Brazil trong nửa đầu năm 2024 gồm: Ấn Độ đạt 3.892 tấn, tăng 47,2%; Pakistan đạt 3.703 tấn, tăng 63,3%... Ngoài ra, lượng tiêu vận chuyển đến Mỹ và EU lại tăng rất mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 8 lần lên 1.402 tấn, tới Đức tăng 14,8%, Pháp tăng 37,1%, Italy tăng 150%. Tuy nhiên, một số thị trường khác như Senegal, Morocco, Ai Cập, Hà Lan… lại chứng kiến sự sụt giảm.
Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), nửa đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 18.002 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 16.357 tấn, tiêu trắng đạt 1.645 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 69,6 triệu USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam bao gồm: Brazil đạt 7.241 tấn, giảm 22,3%; Campuchia đạt 6.212 tấn, tăng 34,5%; Indonesia đạt 2.991 tấn, tăng 67,3%.
Dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho thấy, hiện giá tiêu đen Lampung tại Indonesia ở mức 7.223 USD/tấn, giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 7.125 USD/tấn, giá tiêu đen Kuching tại Malaysia ASTA ổn định ở mức 7.500 USD/tấn, giá tiêu trắng Muntok Indonesia loanh quanh ở mức 9.196 USD/tấn, giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 8.800 USD/tấn, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.000 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 6.600 gr/l, giá tiêu trắng đạt 8.800 USD/tấn.
Như vậy, đây là lần hiếm hoi đầu tiên trong nhiều năm qua giá tiêu đen của Brazil vượt lên trên Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) – cho hay, tại Brazil, thông thường, thị trường này giá thấp hơn Việt Nam thì nay còn cao hơn cả Việt Nam. Mặc dù giá hồ tiêu Brazil cao hơn Việt Nam, doanh nghiệp Việt vẫn phải nhập khẩu nhưng không còn nhập ồ ạt như thời gian trước. Nguyên nhân do giá quá cao khiến biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp do phải cộng với chi phí giá tàu và nhiều chi phí khác.
Những ngày gần đây, giá hồ tiêu trong nước có xu hướng giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao nhất trong 8 năm qua. Theo nông dân ở các vùng trồng tiêu, mặc dù giá tăng nhưng người trồng được hưởng lợi không nhiều, do đa số vườn tiêu lâu năm đã bị thay thế bằng sầu riêng và một số loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên năng suất hồ tiêu giảm mạnh trong những năm gần đây, trung bình từ 20 - 30%.
Brazil hiện đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu đen lớn thứ hai thế giới sau Việt Nam, chiếm 17 - 18% nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu hồ tiêu của nước này đang đứng trước nguy cơ sự sụt giảm trong năm thứ ba liên tiếp do mất mùa.
Dự kiến Brazil sẽ bước vào vụ thu hoạch tiếp vào tháng 8 tại vùng Espirito Santos và tháng 11 vùng Para. Ước tính, Brazil sẽ thu thêm khoảng trên dưới 60.000 tấn nữa. Một số chuyên gia nhận định dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu cũng là yếu tố tác động lên giá.
Trong khi đó, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á cũng tác động đến giá cả ở các thị trường nhập khẩu, và có thể gây ra sự chậm trễ vận chuyển. Điều này khiến giá tăng trong trung và dài hạn.
Giá tiêu thời điểm này rất khó dự đoán. Trong bối cảnh khó khăn kép đang bủa vây doanh nghiệp như hiện nay, bà Hoàng Thị Liên cho hay, Hiệp hội khuyến nghị doanh nghiệp cần cẩn trọng trong hoạt động giao thương.