Thứ năm 21/11/2024 23:44

Việt Nam - Brazil hướng tới hợp tác quốc phòng, nông nghiệp và năng lượng tái tạo

Việt Nam và Brazil tổ chức tọa đàm về giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam Brazil trong đó hướng tới hợp tác quốc phòng, nông nghiệp và năng lượng tái tạo.

Sáng 2/8, trong chương trình kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -Brazil (08/5/1989 - 08/5/2024), Viện Nghiên cứu Châu Mỹ phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Liên bang Brazil tại Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế: "Giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Brazil trong bối cảnh mới".

Viện Nghiên cứu Châu Mỹ phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Liên bang Brazil tại Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế "Giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Brazil trong bối cảnh mới" - Ảnh: Bích Thuỷ

Tọa đàm tập trung làm rõ thực trạng quan hệ giữa Việt Nam với Brazil trong thời gian vừa qua trên các lĩnh vực, trong đó, chỉ ra những thành tựu hai bên đã đạt được và những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Tọa đàm cũng đề cập đến một số nội dung mà hai bên quan tâm, mong muốn muốn hợp tác, phát triển trong thời gian tới. Từ đó, đề xuất các hàm ý chính sách nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Brazil trong bối cảnh mới.

Nhiều cơ hội hợp tác Việt Nam - Brazil

Theo tài liệu cung cấp tại toạ đàm, Việt Nam và Brazil đã thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện từ năm 2007 và không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Cả hai nước đều có tiềm năng lớn về năng lượng sạch, với Việt Nam chú trọng phát triển điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh khối, còn Brazil nổi bật với năng lượng thủy điện và sinh khối.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết và luật pháp nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, như: Nghị quyết 55-NQ/TW, trong khi Brazil cũng có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển năng lượng sạch. Brazil, với kinh nghiệm sản xuất và lắp đặt tuabin gió cùng các nhà máy điện sinh khối, có thể chia sẻ kiến thức và công nghệ với Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam và Brazil có thể cùng nhau nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng mới, bao gồm cả năng lượng hydro và khai thác đất hiếm.

Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Brazil cũng rất phát triển, với nhiều mặt hàng nông sản và thủy sản được xuất nhập khẩu lẫn nhau.

PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại buổi toạ đàm - Ảnh: Bích Thuỷ

Theo PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, với kim ngạch thương mại đạt hơn 7,1 tỷ đô la. Hai nước có nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư và hợp tác song phương. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của cả hai.

Để thúc đẩy hợp tác, hai nước cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đồng thời hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào thị trường năng lượng sạch của cả hai bên.

Việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác cụ thể, như hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ, xây dựng chính sách và quy định liên quan đến năng lượng tái tạo, sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Brazil ngày càng bền vững và hiệu quả.

Trong lĩnh vực quốc phòng, Việt Nam và Brazil cũng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Trong chuyến thăm chính thức Brazil của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam vào năm 2003 và các cuộc tiếp xúc cấp cao vào tháng 9/2023, hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, góp phần thúc đẩy Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Brazil. Hợp tác này bao gồm trao đổi đoàn ở mọi cấp độ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, hợp tác đào tạo và công nghiệp quốc phòng.

TS. Paulo Augusto Sá Pires Filho, Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam - Ảnh: Bích Thuỷ

TS. Paulo Augusto Sá Pires Filho, Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam, cho biết, năm 2023, trong chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Brazil và Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Theo đó, Brazil và Việt Nam đang đàm phán Kế hoạch hành động ba năm về quốc phòng sẽ được ký kết trong tương lai gần. Ngoài ra, hai nước cũng đang đang trong quá trình đàm phán một thỏa thuận về thông tin mật giữa hai nước.

TS. Nguyễn Cao Đức, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Châu Mỹ - Ảnh: Bích Thuỷ

Theo TS. Nguyễn Cao Đức, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Việt Nam và Brazil đã có mối quan hệ hợp tác nhiều mặt trong suốt 35 năm qua, với nhiều bước phát triển quan trọng trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, khoa học và công nghệ, và quốc phòng.

Ông Marco Farani, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Liên bang Brazil tại Việt Nam, cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ: “Brazil luôn ủng hộ Việt Nam trong tiến trình trở thành một quốc gia phát triển và tin tưởng rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng thắt chặt hơn trong tương lai”.

Ông Marco Farani cũng nhắc lại các chuyến thăm của lãnh đạo các cấp giữa hai bên chính phủ thể hiện sự gắn kết trong quan hệ giữa hai nước. Có 3 lĩnh vực mà cả hai bên quan tâm là khoa học công nghệ, hợp tác phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, đề xuất các gói sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Bà Elda Maria Gaspar Alvarez, Tham tán nước Cộng hòa Liên bang Brazil tại Việt Nam, nhận định: “Hai nước có nhiều tiềm năng phát triển, với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 7,1 tỷ đô la, hy vọng có thể lên 10 tỷ đô la trong những năm tới. Các lĩnh vực như số hóa, kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng là những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm, trong khi Brazil có nhiều lợi thế về khoa học công nghệ”.

Giải quyết các thách thức trong giao thương hai nước

Tại buổi toạ đàm một số doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia đóng góp ý kiến.

Ông Trương Tường Lân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Nam Cường nêu ra 4 khó khăn với các doanh nghiệp Việt khi tham gia thị trường Brazil. Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức khi hợp tác với Brazil.

Thứ nhất là khoảng cách địa lý xa xôi gây trở ngại về khả năng kết nối và chi phí vận chuyển cao.

Thứ hai, thông tin và truyền thông về Việt Nam chưa được đẩy mạnh, làm giảm cơ hội hợp tác.

Thứ ba, rào cản ngôn ngữ khi tiếng Bồ Đào Nha phổ biến ở Brazil nhưng ít người Việt thông thạo ngôn ngữ này.

Cuối cùng, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc tương tác trực tiếp với đối tác Brazil và phải cạnh tranh với các thị trường khác trong khu vực.

Theo TS. Lê Thị Vân Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh - Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, để tận dụng lợi thế và vượt qua khó khăn khi tiếp cận thị trường Brazil, chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy đàm phán và ký kết hiệp định thương mại với Mercosur, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, và khuyến khích công nhận Quy chế Kinh tế của Việt Nam. Điều này sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, phù hợp với xu hướng tăng cường thương mại hai nước.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, kết nối đối tác, và giải quyết khó khăn. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường Brazil, nắm rõ các quy định và thủ tục, hiểu về văn hóa và rào cản, và xây dựng kế hoạch xuất khẩu phù hợp. Việc chú trọng vào chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh, mẫu mã và bao bì cũng rất quan trọng. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm tại hội chợ là cần thiết.

Tại toạ đàm, các đại biểu thống nhất việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Brazil không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Sự hợp tác này dựa trên những giá trị chung như độc lập, tự chủ và không phụ thuộc vào các cường quốc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để hai nước cùng phát triển trong bối cảnh quốc tế phức tạp và cạnh tranh khốc liệt.

Thế Duy
Bài viết cùng chủ đề: Năng lượng tái tạo

Tin cùng chuyên mục

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Làm lợi 1,43 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Sửa đổi Luật Điện lực: Từ thông điệp của Tổng Bí thư đến gỡ điểm nghẽn cho kỷ nguyên mới (​​​​​​​Bài 5)

Vì sao châu Âu vẫn quan tâm đến khí đốt Nga?

Một quốc gia châu Âu tiếp tục nhận khí đốt từ Nga sau khi ‘đóng van’ với Áo

Đưa điện về khu tái định cư Kho Vàng, Nậm Tông vượt tiến độ 45 ngày

Sửa đổi Luật Điện lực: Từ thông điệp của Tổng Bí thư đến gỡ điểm nghẽn cho kỷ nguyên mới (​​​​​​​Bài 2)

Ứng dụng UAV và công nghệ AI: Bước đột phá trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Sửa đổi Luật Điện lực: Từ thông điệp của Tổng Bí thư đến gỡ điểm nghẽn cho kỷ nguyên mới (​​​​​​​Bài 1)

PC Lào Cai: 'Thần tốc' đưa điện lưới quốc gia về khu tái định cư Làng Nủ

PC Đắk Nông: Cải thiện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế

Hiệu quả quản lý lưới truyền tải từ ứng dụng UAV và công nghệ Lidar

Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án lưới điện truyền tải 220kV

Ngành điện TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao năng suất lao động nhờ phát triển lưới điện thông minh, chuyển đổi số

Trung tâm Điện lực Quảng Trạch: Nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống

EVNCPC triển khai nhiều hoạt động trong ‘Tháng tri ân khách hàng 2024’

Bộ Công Thương xây dựng 3 kịch bản cung cấp điện năm 2025