Thứ ba 19/11/2024 18:31

Viện Nghiên cứu Cơ khí: Từng bước hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu, nâng cao năng lực

Với mong muốn nâng cao năng lực, hiệu quả nghiên cứu KH&CN, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu và bước đầu thu được những kết quả tích cực.

Tập trung trọng tâm nghiên cứu vào 6 chương trình

Đại hội XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, trong đó đặt ra nhiệm vụ phải “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động nghiên cứu, quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao phù hợp với cơ chế thị trường, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ công lập. Quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số. Cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả các cơ sở nghiên cứu ...”.

Dự án sửa chữa lớn Hệ thống điều khiển trung tâm Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện. Ảnh: QN

Cùng với cả nước, ngành Công Thương đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành với định hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá. Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương đến năm 2030 đã xác định: Các viện nghiên cứu thuộc Bộ phải trở thành nhân tố nòng cốt trong mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ của ngành Công Thương; được nâng cao về năng lực nghiên cứu, trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm…

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương - tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) - cho biết, để xây dựng Viện Nghiên cứu Cơ khí đáp ứng những yêu cầu trên, trong thời gian qua, Viện đã đẩy mạnh nhiệm vụ tái cơ cấu với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Định hướng của Viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đơn vị tư vấn độc lập hàng đầu ở Việt Nam, có uy tín trên thị trường quốc tế, đủ năng lực lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công cho các dự án công nghiệp chuyên ngành thuộc thế mạnh của Viện như: Các dây chuyền chế tạo và lắp ráp cơ khí, nhiệt điện, năng lượng tái tạo, chế biến khoáng sản, hoá chất, xử lý môi trường, các hệ thống tự động hóa trong công nghiệp, nhà kho thông minh. Đồng thời, đủ năng lực làm tổng thầu EPC, EPCM hoặc chìa khoá trao tay cho các hạng mục thiết bị toàn bộ thuộc các dự án công nghiệp trong nước thuộc thế mạnh của Viện.

Theo đó, Viện tập trung vào một số chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ sau: Thứ nhất, chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ lĩnh vực nhiệt điện. Chương trình này tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai làm chủ công nghệ các thiết bị nhà máy nhiệt điện khí và chương trình nâng cấp, cải tạo các nhà máy nhiệt điện cũ phù hợp với điều kiện môi trường mới.

Thứ hai, chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, tập trung vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai làm chủ công nghệ các thiết bị cho nhà máy xi măng, các nhà máy nhiệt điện dư trong các nhà máy xi măng, thiết bị kho xi măng.

Thứ ba, chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo, tập trung vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai làm chủ công nghệ các thiết bị nhà máy nhiệt điện than, điện khí và chương trình nâng cấp, cải tạo các nhà máy nhiệt điện cũ phù hợp với điều kiện môi trường mới.

Thứ tư, chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực khai thác và chế biến bô xít, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp để triển khai làm chủ công nghệ các thiết bị nhà máy khai thác và chế biến khoáng sản.

Thứ năm, chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.

Thứ sáu, chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh xử lý rác, phát điện từ rác và sinh khối, robot công nghiệp, ứng dụng robot và các dây chuyền, sản phẩm công nghệ 4.0.

Những thành công bước đầu

Tiến sĩ Phan Đăng Phong cho biết, ở chương trình đầu tiên, hiện nay Viện đang xây dựng cơ chế chính sách để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong nước các thiết bị nhà máy điện khí được đầu tư trong nước. Dự kiến, sẽ trình Bộ Công Thương để xem xét, thông qua trong năm 2025.

Dây chuyền cắt dán cao su tự động tại Công ty Cao su Đà Nẵng do Viện Nghiên cứu Cơ khí thiết kế, chế tạo (Ảnh: QN)

Ngoài ra, Viện cũng đang đầu tư các nguồn lực, tích cực tìm các đối tác nước ngoài để hợp tác nhằm tham gia được một phần vào việc thiết kế và cung cấp các thiết bị nhà máy nhiệt điện khí trong thời gian tới, trọng tâm là một số dự án được đầu tư tại Việt Nam như: Nhiệt điện Quảng Trạch 2, Ô Môn 3.

Bên cạnh đó, Viện cũng đang hợp tác với đối tác JFE - Nhật Bản tham gia vào công tác thiết kế, chế tạo và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cho một số dự án điện sinh khối tại Yên Bái và Tuyên Quang. Dự kiến, các dự án nay sẽ bắt đầu được thực hiện năm 2025.

Đối với chương trình thứ hai, Viện đã phối hợp với công ty nước ngoài để thực hiện một số dự án phát điện sử dụng nhiệt dư như tại các nhà máy xi măng trong nước gồm: Hoàng Mai, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Nghi Sơn. Việc tham gia làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo các dự án này sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các dự án tương tự trong tương lai, tạo công ăn việc làm và tính chủ động khi thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa, tạo thêm mảng việc mới cho một bộ phận cán bộ viên chức của Viện trong ít nhất 10 năm tới.

Các kỹ sư của Viện đang tích cực phối hợp cùng với chủ đầu tư tại các dự án xi măng trong nước để làm chủ các công tác sửa chữa, thay thế và nâng cấp các thiết bị, dây chuyền thiết bị cho ngành xi măng, công việc mà trước đây vẫn là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài.

Với chương trình thứ ba, Viện đã thu được những thành công ban đầu trong việc chế tạo hệ thống phao nổi, neo cho các dự án điện mặt trời như Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi với công suất 47,5MW…, mở ra triển vọng phát triển các sản phẩm thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo mang thương hiệu Việt Nam. Thời gian tới khi có các dự án mới được duyệt theo quy hoạch, Viện sẽ tiếp tục tìm kiếm bạn hàng để triển khai mảng việc này nhằm hoàn thiện công nghệ.

Cùng với đó, Viện đang tập trung nguồn nhân lực để nghiên cứu các dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt, các công nghệ liên quan đến hệ thống phao, neo, công nghệ chế tạo các chi tiết lớn trong môi trường khắc nghiệt đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đối với chương trình thứ tư, trong 2 năm qua, Viện đã triển khai một loại các dự án mới theo quy hoạch phát triển của ngành như: Thiết kế cơ sở phần mỏ - tuyển dự án tổ hợp công nghiệp bauxite - alumin Dakchung công suất 1 triệu tấn alumin/năm; lập báo cáo nghiên cứu cơ hội đầu tư dự án Tổ hợp Bauxite nhôm Hòa Phát công suất thiết kế 2.000.000 tấn alumin/năm và 1.000.000 tấn nhôm/năm tại mỏ Bắc Gia Nghĩa và Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông; lập báo cáo nghiên cứu cơ hội đầu tư dự án Tổ hợp Bauxite alumin An Viên B.P công suất thiết kế 2.000.000 tấn alumin/năm Bình Phước…

Đáng chú ý, ở chương trình thứ sáu, Viện đã triển khai các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0 với trọng tâm là các dây chuyền sản xuất tự động, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số.

Chẳng hạn, Viện đã thiết kế, chế tạo, đưa vào vận hành thành công hệ thống phân loại sản phẩm tự động tại doanh nghiệp logistics. Hệ thống phân loại sản phẩm tự động này có thể hoạt động liên tục trên ca làm việc 8 giờ/ngày, ghi nhận năng suất khoảng 7.500 sản phẩm/giờ (tương ứng khoảng 60.000 sản phẩm/ngày). Trên thực tế, tại thời điểm chạy thử nghiệm và vận hành chính thức chưa phải là dịp cao điểm. Theo tính toán, nếu hoạt động tối đa năng suất thì hệ thống có thể đáp ứng lên tới 70.000 sản phẩm/ngày…

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Viện Nghiên cứu Cơ khí

Tin cùng chuyên mục

Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin về lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và hội nghị tổng kết 2024

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường tại Brazil

Tăng liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội địa để phát triển công nghiệp hỗ trợ

AP Saigon Petro ra mắt máy thay nhớt tự động 3R dành cho xe máy

10 tháng năm 2024, nhà máy Z183 (Bộ Quốc phòng) đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng

Thanh Hóa: Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục có nhiều khởi sắc

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội cho ngành thép

Lai Châu: Kiểm tra hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 3

Mỹ, Nga, Italy sẽ tham gia triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Quân khu 1 thực hành diễn tập bắn đạn thật nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu

Sở Công Thương Bình Định trao đổi kinh nghiệm với ngành công thương Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ

Bộ Công Thương và Samsung Electronics Việt Nam tổng kết khóa đào tạo kỹ sư khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 2

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 1

Nhiều tập đoàn nước ngoài muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam

Cần giải pháp toàn diện để phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng hiện đại và bền vững

Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư

Doanh thu ngành vật liệu xây dựng chiếm khoảng 11% GDP quốc gia

Khuyến công Quảng Ngãi dự kiến hỗ trợ cao nhất đến 1 tỷ đồng/doanh nghiệp