Theo Reuters, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vừa thông báo ông sẽ từ chức vào tháng tới, trong bối cảnh người dân Nhật Bản đang bất bình trước những vụ bê bối chính trị và chi phí sinh hoạt tăng trong nhiệm kỳ vừa qua của ông.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sau buổi họp báo vừa qua. Nguồn ảnh: Philip Fong |
Cụ thể, trong một cuộc họp báo vào chiều ngày 14/8, ông Kishida công bố mình quyết định sẽ không tái tranh cử vào vị trí người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Phát biểu trước báo giới, ông Kishida nói: "Thể chế chính trị không thể hoạt động nếu không có sự tin tưởng của công chúng. Tôi đã đưa ra quyết định nặng nề này vì nghĩ đến công chúng, với ý chí mạnh mẽ, để thúc đẩy cải cách chính trị."
Đảng LDP sau đó thông báo họ sẽ tổ chức một cuộc tranh cử vào tháng 9 để thay thế ông Kishida làm chủ tịch, qua đó, quyết định Thủ tướng Nhật Bản tiếp theo.
Được biết, độ tin cậy của ông Kishida bắt đầu suy giảm kể từ khi báo chí Nhật Bản tiết lộ về mối quan hệ thân thiết của Đảng LDP cầm quyền với “Giáo hội Thống nhất” - một tổ chức tôn giáo gây tranh cãi vào năm 2021. Chính mối quan hệ này là nguyên nhân chính dẫn đến vụ ám sát cố Thủ tướng Shinzo Abe vào năm 2022.
Sau đó, uy tín của ông Kishida đã tiếp tục sụt giảm khi xuất hiện thông tin về một quỹ quyên góp bí mật tại các sự kiện gây quỹ của đảng LDP, gây thất thoát hàng triệu đô la. Hàng loạt các thành viên trong nội các của ông Kishida sau đó đã nộp đơn từ chức, và mức độ tin cậy của Thủ tướng đã giảm xuống mức thấp nhất từ khi ông nhậm chức vào năm 2021.
Ông Kishida cũng đã phải đối mặt với sự bất bình của công chúng về việc tiền lương không thể theo kịp giá cả gia tăng, trong bối cảnh Nhật Bản đang từng bức thoát khỏi áp lực giảm phát kéo dài hàng thập kỷ.
Tuy vậy, việc lựa chọn người thay thế ông Kishida là không hề dễ dàng. Với vai trò Thủ tướng Nhật Bản, người kế vị ông Kishida không những phải khôi phục niềm tin của công chúng vào đảng LDP và giải quyết chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, mà còn phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang với Trung Quốc.
Theo Đài Truyền hình NHK, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba tuyên bố ông đã sẵn sàng trở thành người kế vị ông Kishida, đồng thời khẳng định rằng ông sẽ "hoàn thành nghĩa vụ của mình" nếu thu thập được đủ sự ủng hộ. Những ứng cử viên tiềm năng khác cho chức vụ Thủ tướng Nhật Bản đang là Bộ trưởng Ngoại giao Yoko Kamikawa, Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono và cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi.
Tuy vậy, các chuyên gia chính trị cho rằng đảng LDP sẽ phải chọn một gương mặt mới để thoát khỏi những vụ bê bối đã khiến đảng sa lầy gần đây, để có thể tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử sắp tới, dự kiến vào năm 2025.
Chia sẻ với Reuters, nhà phân tích chính trị Atsuo Ito nhận xét: “Nếu LDP chọn nhà lãnh đạo tiếp theo mà không quan tâm đến sự chỉ trích của công chúng, đảng này sẽ chịu thất bại nặng nề. LDP có thể chọn một ứng cử viên không có mối quan hệ nào với chính quyền hiện tại, do đó họ nên đề xuất một gương mặt trẻ tuổi”.
Những chính sách lớn dưới thời ông Kishida
Nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Kishida được đánh dấu bởi những căng thẳng chính trị chưa từng có, qua đó, buộc Nhật Bản phải xem xét lại các chính sách hòa bình của mình. Trong cương vị là Thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida đã ra cải cách quân đội lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai, với cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, để gia tăng áp lực đối với Trung Quốc.
Với sự ủng hộ từ Washington, ông Kishida cũng đã hàn gắn mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, tạo điều kiện cho hai nước và Mỹ theo đuổi hợp tác an ninh sâu sắc hơn, trong bối cảnh Triều Tiên đang tăng cường thử nghiệm vũ khí và tên lửa hạt nhân.
Nhiệm kỳ của ông Kishida cũng chứng kiến sự thay đổi rõ rệt về chính sách kinh tế Nhật Bản. Thay vì đặt trọng tâm vào gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp Nhật Bản, ông Kishida đã ủng hộ các chính sách nhằm tăng thu nhập cho hộ gia đình, bao gồm tăng lương và thúc đẩy quyền sở hữu cổ phần doanh nghiệp.
Ông Kishida cũng đã dẫn dắt Nhật Bản thoát khỏi đại dịch Covid-19 bằng các gói cứu trợ khổng lồ, đồng thời ông đã bổ nhiệm học giả Kazuo Ueda làm người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Nhờ công sức của ông Ueda, Nhật Bản đã dần thoát khỏi giai đoạn giảm phát tiền tệ, vốn đã kéo dài hàng thập kỷ. Kết quả là, đồng yên Nhật đã bất ngờ tăng mạnh vào tháng 7 vừa qua, sau khi Ngân hàng Trung ương nước này thông báo lạm phát đang ở mức ổn định.
Theo ông Shoki Omori, Giám đốc chiến lược tại công ty tài chính Mizuho Securities (Nhật Bản), việc ông Kishida từ chức có thể báo hiệu cho các chính sách tài chính và tiền tệ thắt chặt hơn. Chia sẻ với Reuters, ông Omori nhận định: “Các loại tài sản có rủi ro cao, đặc biệt là cổ phiếu, có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.