Vì sao lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng?
Người tiêu dùng nhận thức khá tích cực về tiêu dùng xanh
Chiều ngày 30/10, tại TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ buổi họp báo thông tin về Vòng Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã thông tin về Cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024.
Thông tin về kết quả “Cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024”, ông Nguyễn Văn Phượng - Phụ trách điều tra thị trường của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - cho biết: Người tiêu dùng trong nước hiện nay có nhận thức và thái độ khá tích cực đối với tiêu dùng xanh, hầu hết người tiêu dùng biết đến khái niệm “tiêu dùng xanh” và có sự hiểu biết về các khía cạnh cơ bản của khái niệm “tiêu dùng xanh”.
Ông Nguyễn Văn Phượng - Phụ trách điều tra thị trường của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin về Cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024 tại buổi họp báo |
Có thể nói, thái độ và nhận thức tích cực của người tiêu dùng như là động lực thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng cải thiện sản xuất theo hướng sản xuất xanh và bền vững, cũng là tín hiệu đáng mừng đối với mục tiêu chung là hướng tới nền kinh xanh, phát triển bền vững.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng hiện nay nhận thức khá tích cực về những lợi ích mà tiêu dùng xanh mang lại. Tuy nhiên, từ ý thức tới hành động vẫn còn một khoảng cách khá lớn thể hiện ở mức độ ưu tiên của người tiêu dùng đối với tiêu dùng xanh còn hạn chế.
Lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Bức tranh tiêu dùng xanh trong các cộng đồng dân cư còn khá “tối màu”. Ngay tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước nhưng tỷ lệ người tiêu dùng tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12 - 18%.
Người tiêu dung biết đến sản phẩm xanh, và tiêu dùng xanh nhiều nhất từ các thông tin trên không gian mạng, các nguồn thông tin (kinh nghiệm bản thân, người thân, người bán,… ) được tiếp cận với một tỷ lệ nhất định (dưới 40%). Nếu như các kết quả khảo sát trước đây đều cho thấy khi tham khảo thông tin về sản phẩm, người tiêu dùng thường dựa vào kinh nghiệm bản thân, hoặc tham khảo ý kiến người thân, bạn bè, hay người bán,… là chủ yếu, rồi mới đến các thông tin từ không gian mạng.
Sản phẩm xanh thu hút nhiều sự quan tâm tại họp báo |
Thông qua việc tiếp cận các kênh thông về tiêu dùng xanh cho thấy, đối với hầu hết người tiêu dùng vấn đề tiêu dùng xanh vẫn còn là vấn đề khá mới đối với họ, với tâm thức chưa có nhiều trải nghiệm tiêu dùng nên thông tin từ không gian mạng trở thành nguồn thông tin chủ đạo. Có thể nói, truyền thông xã hội là phương tiện thông tin đóng vai trò quan trọng nhất hiện nay trong hoạt động cung cấp thông tin về sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh tới người tiêu dùng.
Khi chọn mua sản phẩm xanh, bên cạnh các tiêu chí (chất lượng, an toàn, tốt cho sức khỏe) được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu như khi họ chọn mua sản phẩm thông thường thì yếu tố sản phẩm thân thiện môi trường cũng rất được người tiêu dùng quan tâm khi chọn mua sản phẩm xanh.
Có thể nói tiêu chí thân thiện môi trường trở thành thước đo của người tiêu dùng đối với sản phẩm, là nhân tố tạo dấu ấn và niềm tin nơi người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm xanh.
Ngoài các tiêu chí trên, người tiêu dùng hiện nay cũng rất quan tâm đến yếu tố giá thành khi chọn mua sản phẩm xanh. Hai tiêu chí quan trọng được coi là thành phần tạo nên sản phẩm xanh là sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc có thành phần được làm từ nguyên liệu tái chế lại chỉ được một bộ phận nhỏ người tiêu dùng quan tâm khi chọn mua sản phẩm xanh.
Điều này cho thấy người tiêu dùng còn khá e ngại khi chọn mua các sản phẩm có thành phần tái chế do chưa hiểu được những lợi ích đối với môi trường mà sản phẩm tái chế mang lại. Cơ quan hữu trách và doanh nghiệp cần quan tâm hơn về công tác truyền thông lợi ích đối với cộng đồng và môi trường mà sản phẩm tái chế có thể mang lại.
Kết quả “Cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024” cũng cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng chọn nơi mua sản phẩm xanh tùy thuộc vào đặc trưng tiêu dùng sản phẩm và mức độ cung ứng tại các kênh phân phối. Trên bình diện chung kết quả khảo sát cho thấy các kênh GT (phân phối hàng hóa theo mô hình truyền thống) và MT (kênh phân phối bán hàng hiện đại) chiếm tỷ lệ khá tương đồng trong hoạt động cung ứng các loại sản phẩm xanh (67% và 66%).
Đặc biệt, các kênh online (mới nổi những năm gần đây) nhưng cũng chiếm một tỷ lệ đáng ngạc nhiên với khoảng 45%. Trong các kênh GT thì đại lý và cửa hàng chuyên là nơi người tiêu dùng ưng đến nhiều nhất (58%) khi có nhu cầu mua hầu hết các loại sản phẩm xanh. Ngoại trừ đại lý, cửa hàng chuyên, hai kênh tạp hóa và sạp chợ khá lép vế trong hoạt động cung ứng sản phẩm xanh. Đối với các kênh MT thì siêu thị vẫn là điểm đến được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất (49%). Sàn thương mại điện tử hiện là kênh chiếm tỷ lệ chủ đạo trong các kênh online.
Đối tượng khách hàng chính yếu của các sản phẩm xanh hiện nay là người tiêu dùng trong độ tuổi từ 31 tuổi đến 45 tuổi, trình độ đại học, có nghề nghiệp ổn định và mức thu nhập từ 15 triệu đến 30 triệu. Tùy thuộc đặc trưng tiêu dùng của sản phẩm xanh mỗi ngành hàng mà đối tượng khách hàng chính yếu của từng loại sản phẩm ngành hàng có sự chuyển dịch nhất định.
Rào cản lớn nhất với người tiêu dùng xanh - sản phẩm xanh có giá cao
Rào cản lớn nhất đối người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao (78%), kế đến là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh.
Ngoài ra, sự phàn nàn của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng là trở ngại làm giảm lòng tin với đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường (18% người tiêu dùng cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ).
Rào cản lớn nhất đối người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao |
Rào cản cuối cùng phải kể đến là nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, đặc biệt người tiêu dùng ở khu vực nông thôn vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng và mức độ hiểu biết của họ về tiêu dùng xanh còn khá hạn chế (với 7% người tiêu dùng cho biết họ cảm thấy chưa cần thiết phải tiêu dùng xanh).
Nhận thức và thái độ của người tiêu dùng đối với tiêu dùng xanh có tác động mang tính chi phối hành vi tiêu dùng xanh của chính họ. Sự chi phối của nhận thức và thái độ đối với hành vi tiêu dùng mang tính tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào nhận thức và thái độ tích cực hay tiêu cực của người tiêu dùng.
Với kết quả nghiên cứu này cho thấy người tiêu dùng có nhận thức và thái độ khá tích cực về tiêu dùng xanh, do vậy sẽ tạo ra những tác động tích cực nhất định tới hành vi tiêu dùng xanh nơi người tiêu dùng.
Mối quan tâm tới môi trường là yếu tố chỉ có tác động gián tiếp tới hành vi tiêu dùng xanh thông qua sự tác động đối với nhận thức và thái độ của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh. Nói cách khác, người tiêu dùng mới chỉ dừng lại ở mức độ lo ngại những tác hại của môi trường chứ chưa nhận thấy sự cần thiết phải có những hành động vì mục tiêu giảm thiểu tác hại để bảo vệ môi trường thông qua việc tiêu dùng.
Sự sẵn có của sản phẩm xanh, những thay đổi từ cộng đồng xã hội, và giá cả sản phẩm xanh là ba yếu tố vừa có tác động gián tiếp tới hành vi tiêu dùng xanh của người tiêu dùng, vừa có tác động trực tiếp tới hành vi tiêu dùng xanh của người tiêu dùng. Trong đó, những thay đổi từ cộng đồng xã hội có tác động tích cực là động lực thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh, ngược lại sự sẵn có của sản phẩm xanh, và giá cả sản phẩm xanh lại có tác động tiêu cực mang tính trở ngại đối với hành vi tiêu dùng xanh (người tiêu dùng cho biết sản phẩm xanh còn khó tiếp cận và chưa có độ phủ rộng trên thị trường, giá thành sản phẩm xanh cao hơn so với sản phẩm thông thường là những trở ngại mua dùng).
Cuộc khảo sát Tiêu dùng xanh 2024 được tổ chức trên quy mô rộng, cung cấp cái nhìn toàn diện về nhận thức, hành vi, và ưu tiên của người tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Đây là cơ hội quý để doanh nghiệp tiếp cận những dữ liệu quan trọng giúp cải tiến sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng bền vững, và từ đó, nâng cao uy tín thương hiệu. Kết quả khảo sát không chỉ thể hiện rõ xu hướng tiêu dùng mà còn nêu bật các động lực và rào cản đối với tiêu dùng xanh, như giá cả, tính tiện lợi, và sự hỗ trợ từ chính sách. Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy khả năng tài chính và mức độ sẵn sàng của người tiêu dùng trong việc chi trả cho các sản phẩm xanh. Đây là những thông tin hữu ích giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu mới của thị trường. Đồng thời cũng khám phá các xu hướng tiêu dùng mới, thảo luận về giải pháp và cơ hội trong tương lai. Đây sẽ là dịp quý giá để doanh nghiệp không chỉ hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng mà còn nhận được những kiến nghị thiết thực trong việc phát triển bền vững, đồng thời nâng cao sự gắn kết với cộng đồng và môi trường. |