Vì sao Bỉ “out top” những thị trường nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam?
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, Bỉ là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 3 của Việt Nam trong khối EU với mức tăng trưởng 65% so với năm 2021. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này lại sụt giảm liên tục dưới tác động của lạm phát. Và hết 10 tháng năm 2023, Bỉ không còn là 1 trong 3 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.
Năm 2023, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường Bỉ sụt giảm liên tục dưới tác động của lạm phát. Ảnh minh họa |
Cụ thể, dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, VASEP cho biết, xuất khẩu cá ngừ sang Bỉ giảm liên tục. Tính lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt hơn 9 triệu USD, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2022.
So với năm trước, xuất khẩu các mặt hàng thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Bỉ giảm mạnh, giảm đến 55%. Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến và đóng hộp lại tăng 7%.
Theo VASEP, Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ ngoài khối lớn thứ 4 cho thị trường Bỉ, sau Ecuador, Philippines và Bờ Biển Ngà. Trong năm 2023, Bỉ giảm nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam và Ecuador, nhưng lại tăng nhập khẩu cá ngừ từ Philippines và Bờ Biển Ngà.
Theo số liệu thống kê của Eurostat, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Bỉ trong 8 tháng đầu năm 2023 tăng 13%, trong khi nhập khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh giảm 49% so với cùng kỳ.
Phân tích các nguyên nhân, đại diện VASEP cho rằng, đó là do tác động của lạm phát đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của người dân Bỉ. Thêm vào đó, dịch Covid-19 và sau đó là khủng hoảng sức mua đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người Bỉ.
"Người tiêu dùng Bỉ ít đến các nhà hàng truyền thống hơn và đến các nhà hàng thức ăn nhanh thường xuyên hơn vì những món ở đó rẻ hơn", VASEP thông tin và cho biết thêm, hiện nay, người tiêu dùng Bỉ thường chia nhỏ việc mua sắm của mình, mua số lượng ít hơn và chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn để phù hợp với thực tế mới. Do đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ đóng hộp giá rẻ tại thị trường này tăng lên.
Hiện nay, theo VASEP, cá ngừ Việt Nam vẫn đang chịu sức ép cạnh tranh lớn và những quy định, rào cản kỹ thuật vẫn đang và sẽ tiếp tục gây khó khăn tại thị trường Bỉ. Các quốc gia xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục cạnh tranh gay gắt hơn cùng với việc một số thị trường sở tại châu Âu đang có xu hướng đưa ra quy định, tiêu chí khắt khe hơn đối với cá ngừ nhập khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, mặc dù được hưởng các ưu đãi thuế suất từ EVFTA, nhưng mức giá cá ngừ Việt Nam đang cao hơn so với nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác. Đồng thời, các nhà nhập khẩu cá ngừ EU luôn ưu tiên nhập khẩu những sản phẩm cá ngừ trong nội khối EU cho dù có mức giá cao hơn. Đây là những thách thức lớn trong thời gian tới khi các doanh nghiệp muốn đẩy mạnh thị phần cá ngừ tại thị trường EU.