Đề án yêu cầu khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát của ba khu vực kinh tế (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ); loại hình sở hữu (kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); ngành, lĩnh vực; địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tiêu thức khác.
![]() |
Đề án xác định nhiệm vụ tăng cường phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát giữa các bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế về đăng ký sản xuất, kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước và nghĩa vụ xã hội của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế; quy định về sử dụng lao động, đào tạo nghề, cung cấp tín dụng, mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Đề án cần quy định về xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và các quy định khác, góp phần đánh giá chính xác và thu hẹp phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: Hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế phi pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.
Các chuyên gia cho rằng, khu vực kinh tế chưa được quan sát bị bỏ sót rất lớn trong tính giá trị GDP, bởi không có số liệu quản lý từ cấp dưới lên trên về kinh tế không chính thức khiến ngành thuế thất thu, mất công bằng trong phát triển.
Hiện có nhiều số liệu khác nhau về khu vực kinh tế chưa được quan sát. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khu vực này không thể tới 30% GDP như các số liệu ước tính. |