Thứ hai 05/05/2025 20:32

Việt Nam tuân thủ Luật Biển để phát triển kinh tế biển bền vững

Có đường bờ biển dài, Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế hướng đến mục tiêu đưa đất nước thành quốc gia mạnh về biển, phát triển kinh tế bền vững dựa vào biển.

Việt Nam tham gia, đóng góp tích cực vào Luật Biển 1982

Trong hai ngày 5 và 6/5, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Toà án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) tổ chức Hội thảo khu vực về “Vai trò của Toà án quốc tế về Luật Biển trong giải quyết tranh chấp liên quan tới Luật Biển”.

Hội thảo có sự tham dự của 7 đại diện từ ITLOS, bao gồm Chánh án, Phó Chánh án, các thẩm phán và lục sự của Toà, cùng hơn 70 đại biểu là chuyên gia pháp lý từ 15 quốc gia tại khu vực châu Á, cán bộ làm việc trong lĩnh vực về biển của các bộ, ngành trung ương của Việt Nam và đại diện từ các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội.

Ông Tomas Heidar nhấn mạnh, Việt Nam đã tham gia tích cực trong Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ ba và là một trong những nước sớm ký kết, phê chuẩn Công ước UNCLOS 1982. Ảnh: Quang Hòa

Chánh án Toà ITLOS Tomas Heidar cho biết, Việt Nam là địa điểm phù hợp để tổ chức sự kiện này, bởi lẽ Việt Nam là quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với biển, không chỉ xét từ vị trí địa lý mà còn thể hiện trong các cam kết lâu dài của Việt Nam đối với Công ước UNCLOS 1982.

Ông Tomas Heidar nhấn mạnh, Việt Nam đã tham gia tích cực trong Hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ ba và là một trong những nước sớm ký kết, phê chuẩn Công ước; Việt Nam phê chuẩn hai hiệp định thực thi trong khuôn khổ UNCLOS là Hiệp định thực thi Phần XI UNCLOS vào năm 2006 và Hiệp định về nguồn cá vào năm 2018.

Theo ông Tomas Heidar, một trong những thành tựu to lớn đạt được trong quá trình đàm phán UNCLOS chính là cơ chế giải quyết tranh chấp để đảm bảo thực thi hiệu quả Công ước, trong đó ITLOS là cơ quan tài phán độc lập được thiết lập và là trung tâm của cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ UNCLOS.

Kể từ khi thành lập đến nay, ITLOS nhận được sự tin tưởng của các quốc gia thành viên và chứng minh được sự hiệu quả như một diễn đàn giải quyết tranh chấp. Cho đến nay, toà đã thụ lý 30 vụ việc tranh chấp và đưa ra 3 ý kiến tư vấn về các vấn đề liên quan đến Luật Biển.

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia mạnh về biển

Nhấn mạnh ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, hội thảo diễn ra trong bối cảnh đặc biệt và ý nghĩa đối với Việt Nam, năm 2025 là năm kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, 80 năm Quốc khánh Việt Nam và 80 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam. Đất nước và người dân Việt Nam luôn luôn hiểu và trân quý giá trị quý báu của hoà bình.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, luôn tuân thủ Luật Biển, Việt Nam hướng tới quốc gia mạnh về biển, phát triển kinh tế bền vững từ biển. Ảnh: Quang Hòa

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định trong bối cảnh chung đó, sự ra đời của UNCLOS 1982 mở ra kỷ nguyên mới trong quản trị đại dương. Được công nhận rộng rãi là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, UNCLOS hướng tới mục tiêu duy trì hoà bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển và đại dương. Trên cơ sở của Công ước, sự ra đời của Toà ITLOS tạo động lực cho cơ chế giải quyết tranh chấp biển phù hợp với luật pháp quốc tế.

Là một quốc gia thành viên của UNCLOS, có đường bờ biển dài, Việt Nam luôn tuân thủ luật pháp quốc tế và ủng hộ thúc đẩy, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phục vụ mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển kinh tế bền vững dựa vào biển, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

“Cam kết của Việt Nam đối với ITLOS và UNCLOS không chỉ thể hiện qua các tuyên bố mà còn thể hiện thông qua các hành động cụ thể” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh và dẫn chứng, thời gian qua, Việt Nam tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế, ban hành các văn bản pháp luật phù hợp với UNCLOS và ủng hộ việc phổ quát hoá Công ước.

Hội thảo gồm 3 phiên tập trung thảo luận về các chủ đề xoay quanh thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ UNCLOS nói chung và ITLOS nói riêng. Ảnh: Quang Hòa

Việc Việt Nam giới thiệu ứng cử viên vào vị trí Thẩm phán Toà ITLOS minh chứng cho mong muốn đóng góp chuyên gia và thể hiện vai trò dẫn dắt vào quá trình phát triển của luật biển quốc tế.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức trên biển mới nổi và phức tạp, từ cạnh tranh chiến lược tới thách thức từ biến đổi khí hậu, vai trò của Công ước UNCLOS và Toà ITLOS càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Việc hiểu rõ vai trò và thủ tục tại ITLOS, cũng như hợp tác quốc tế trong tuân thủ các nguyên tắc của UNCLOS sẽ giúp đảm bảo đại dương là khu vực hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Hội thảo khu vực “Vai trò của Tòa án quốc tế về Luật Biển trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến luật biển” diễn ra trong hai ngày 5 - 6/5, gồm 3 phiên tập trung thảo luận về các chủ đề xoay quanh thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ UNCLOS nói chung và ITLOS nói riêng, các án lệ tiêu biểu và kết thúc bằng toạ đàm bàn tròn giữa các đại biểu tham gia.

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện tổ chức tại nhiều khu vực trên thế giới nhằm thúc đẩy hiểu biết về các cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Từ đó, thảo luận về vai trò quan trọng của ITLOS trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước.

Hội thảo hướng tới mục tiêu chia sẻ thông tin tới chuyên gia từ các chính phủ về các thủ tục quy định trong phần XV của Công ước, trong đó tập trung vào thẩm quyền của ITLOS và về cách thức các vụ việc được toà thụ lý và giải quyết.

Hoàng Giang
Bài viết cùng chủ đề: Liên Hợp Quốc

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Chủ tịch nước: Việt Nam - Sri Lanka phấn đấu kim ngạch song phương đạt 1 tỷ USD

Nghị quyết 68: 'Kim chỉ nam' tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân

Chú trọng việc sắp xếp các tổ chức vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Toàn văn Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

Cử tri mong có chính sách hỗ trợ cho cán bộ phải đi làm xa sau sáp nhập

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Tổng thống Sri Lanka

Kinh tế khởi sắc song cần siết kỷ luật ngân sách, thúc đẩy đầu tư công

Thủ tướng: Công nghiệp khởi sắc, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh

Tổng Bí thư Tô Lâm lên đường thăm Liên bang Nga, Kazakhstan, Azerbaijan và Belarus

Thủ tướng nhắc 8 bộ, 11 địa phương chậm công khai thủ tục hành chính

Quốc hội khai mạc kỳ họp lịch sử, tạo đột phá thể chế, dẫn lối kỷ nguyên số hóa

Tổng Bí thư chỉ đạo đổi mới: Ca sĩ, họa sĩ lên bục giảng

Đoàn đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 5/5, khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Việt Nam và Sri Lanka: Tăng cường gắn kết, tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm trình nội dung về chương trình kích cầu nội địa

Sửa Hiến pháp: Có thể lấy ý kiến người dân qua VNeID

Rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để sớm kiện toàn nhân sự

Tổng Bí thư thăm Kazakhstan, Azerbaijan, Nga và Belarus: Hướng đến '4 hơn' đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới