Từ chuyện người dân đi bộ giữa lòng hồ thuỷ điện nghĩ về sự chung tay chia sẻ khó khăn
Lòng hồ trơ cạn, thuỷ điện thiếu nước
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ nhiều ngày qua, hầu hết các sông, hồ thuỷ điện trên cả nước về mực nước chết. Nhiều đoạn sông lớn cạn khô, nứt nẻ ảnh hưởng đến việc sản xuất điện và sinh kế của người dân.
Một đoạn sông tại Sơn La bị trơ đáy, nứt nẻ |
Thực tế khó khăn về thời tiết thuỷ văn đã kéo dài từ năm 2022 và đã được Trung tâm Dự báo khí thượng thuỷ văn (KTTV) Quốc gia đưa ra dự báo ngay từ đầu năm.
Theo đó, hiện tượng La Nina vẫn duy trì; nắng nóng năm 2023 cao hơn năm 2022 (số đợt và mức độ gay gắt), nền nhiệt độ cao hơn năm ngoái.
Trong khi đó, tổng lượng mưa thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm; ít có khả năng mưa lớn diện rộng lịch sử.
Tại khu vực Bắc Bộ, từ tháng 2-7/2023, nguồn nước trên các sông suối hệ thống sông Hồng-Thái Bình thiếu hụt từ 20-40%, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà, Thao, hạ lưu sông Lô. Riêng Hạ lưu sông Hồng- Thái Bình trong tháng 1-2 xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10-20% do các hồ thủy điện cấp nước tăng cường phục vụ đổ ải vụ Đông-Xuân. Mùa lũ năm 2023, đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn TBNN, riêng các sông suối nhỏ lớn hơn TBNN.
Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, trong mùa khô năm 2023, lượng dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 20-40% so với TBNN, có sông thiếu hụt trên 50%; riêng một số sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi ở mức cao hơn TBNN.
Hồ thuỷ điện Sơn La xuống dưới mực nước chết |
Như vậy có thể thấy, tình hình nước về các hồ thuỷ điện gặp khó khăn là một thực tế không thể phủ nhận. Báo cáo của Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp cho thấy, tính đến 8/6, có 9 hồ thuỷ điện ở mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An.
Và có 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo như: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.
Ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/06. Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 06/6/2023, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp.
Khô hạn, thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất điện và sinh kế của người dân |
Cần chung tay chia sẻ thay vì quy chụp
Thực tế là vậy, song dư luận, đặc biệt trên mạng xã hội vẫn cho rằng việc thiếu điện, tiết giảm điện ở miền Bắc hiện nay là do quản lý, điều hành.
Cần phải biết rằng, nguồn điện từ thuỷ điện cả nước đạt trên 40% tổng sản lượng điện cung cấp toàn hệ thống. Đơn cử như năm 2022, sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống năm 2022 đạt 268,442 tỷ kWh, trong đó sản lượng điện năng từ thủy điện đạt 95,054 tỷ kWh.
Chỉ riêng các thuỷ điện lớn trên dòng sông Đà, hàng năm cung cấp khoảng trên 25 tỷ kWh.
Điều này cho thấy, thuỷ điện là nguồn điện chạy nền cực kỳ quan trọng của hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện, các hồ thuỷ điện còn phải làm nhiều nhiệm vụ khác như cấp nước tưới tiêu cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân.
Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao kỷ lục trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhất là thiết bị làm mát, có nơi lên tới trên 37%. Do đó, nhiều nơi ở miền Bắc phải bị tiết giảm điện.
Đành rằng việc tiết giảm điện, mất điện giữa mùa nắng nóng là điều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt nhưng đó cũng là điều bất khả kháng trong bối cảnh hiện nay, ở một vài thời điểm nhất định.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoạch – Chuyên gia, thành viên Hội đồng khoa học (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) cho biết, trong điều kiện thời tiết nắng nóng mà lại bị cắt điện đột ngột, thì sự bức xúc của người dân là điều dễ hiểu song người dân cũng cần nắm được thông tin về hệ thống điện Việt Nam, về thuỷ điện cũng như vai trò của thuỷ điện thì mới sẻ chia với khó khăn của ngành điện.
Để đảm bảo điện cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm cho đến nay bằng nhiều giải pháp, biện pháp ngắn hạn, dài hạn...từ việc đốc thúc các đơn vị chuẩn bị và ưu tiên nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện; Tăng cường sửa chữa, nâng cao hiệu quả các tổ máy nhiệt điện than, thuỷ điện; Tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, thủ tục cho các dự án năng lượng tái tạo; Đốc thúc và tháo gỡ khó khăn mặt bằng các dự án truyền tải điện; Xây dựng kịch bản, phương án huy động nguồn điện...
Đồng thời, Chính phủ, Bộ Công Thương, ngành điện cũng đã chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng có hiệu quả. Cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, nhằm chung tay vượt qua khó khăn trước mắt.
Thực tế, các cơ quan quản lý, cán bộ ngành điện vẫn đang căng mình tại các nhà máy, trên những đường dây trong điều kiện nắng nóng để quản lý vận hành hệ thống, nỗ lực đảm bảo điện cho người dân, doanh nghiệp.
Hơn lúc nào hết, cộng đồng cần thấu hiểu, chia sẻ với ngành điện và có ý thức, trách nhiệm trong việc tiết kiệm điện; hoặc hiến kế cho ngành những giải pháp hữu hiệu hơn trong tương lai.
Thiết nghĩ trong một xã hội dân chủ, việc nêu và bày tỏ ý kiến là quyền của mỗi cá nhân, tổ chức, song cũng cần có cái nhìn khách quan, thực tế, mang tính xây dựng, tránh việc đưa quan điểm cá nhân gây rối loạn thông tin, thiếu trách nhiệm về một vấn đề. Trong đó có thuỷ điện, tiết giảm điện hiện nay.