Theo đó, ngày 4/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đồng chủ trì cuộc họp gồm đại diện các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Viện Năng lượng (đơn vị tư vấn) và các chuyên gia lĩnh vực điện lực.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2779/VPCP-CN ngày 2/4 của Văn phòng Chính phủ và tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp nêu trên, Bộ Công Thương có báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung sau:
Thứ nhất, việc hình thành các Trung tâm điện gió ngoài khơi (ĐGNK); trên cơ sở đó, rà soát lại danh mục dự án ĐGNK, trong đó nghiên cứu bổ sung đối với các dự án có nhà đầu tư cam kết thực hiện triển khai được ngay trong nửa đầu năm hoặc đến tháng 9/2025, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Hạn chế các dự án dự phòng với tiến độ, thời gian chưa rõ ràng.
Thứ hai, rà soát lại các nguồn điện dự phòng, căn cứ các tiêu chí lựa chọn danh mục dự án, tính toán, cân đối hài hòa để đưa vào danh mục chính thức các dự án nguồn điện bảo đảm chắc chắn, khả thi, thực hiện đúng tiến độ; rà soát sự phù hợp đối với việc bổ sung quy hoạch các dự án LNG tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Cà Mau.
Thứ ba, rà soát việc triển khai thực hiện các mỏ Kèn Bầu, Sư Tử Trắng để có phương án cấp khí cho phát điện.
Thứ tư, rà soát lại danh mục các dự án thủy điện nhỏ, thủy điện dưới 50MW phù hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định số 56/2025/NĐ-CP, trong đó lưu ý trường hợp có ảnh hưởng đến môi trường và sạt lở thì phải loại bỏ.
Thứ năm, về việc ban hành khung giá phát điện. Đến nay, Bộ Công Thương đã cơ bản ban hành đầy đủ khung giá đối với các loại hình nguồn điện theo quy định (ban hành khung giá phát điện đối với các loại hình nguồn điện như điện mặt trời, điện gió, điện rác, điện sinh khối, điện khí LNG). Đối với khung giá phát điện loại hình điện mặt trời kết hợp pin lưu trữ và điện gió ngoài khơi, thuỷ điện tích năng, Bộ Công Thương sẽ phấn đấu hoàn thiện trước ngày 10/4/2025, bảo đảm đủ cơ sở để các nhà đầu tư đàm phán giá và triển khai thực hiện dự án trên cơ sở lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.
Thứ sáu, rà soát tổng thể Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tính toán cân đối nguồn, phương án truyền tải để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho năm 2025-2026 và các năm tiếp theo, trong đó phải chủ động có các giải pháp điều tiết, bảo đảm cung ứng đủ điện trong các tháng cao điểm 4,5,6.
Thứ bảy, một số kiến nghị về bổ sung nguồn điện năng lượng tái tạo.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã khắc phục được tình trạng mất cân đối trong kết nối giữa các vùng, miền, cũng như tối ưu hóa đường dây truyền tải đối với các nguồn điện, đáp ứng nhu cầu điện trong nước, phục vụ chương trình mua bán điện trực tiếp và sẵn sàng cho xuất khẩu theo hợp đồng trong tương lai. |