Chiều 13/2, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp ký quyết định 240/QĐ-UBND phê duyệt giá khởi điểm đấu giá tài sản là cát thu hồi từ hoạt động nạo vét các lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn huyện Lạc Dương.
|
Những "núi cát" tại hồ thuỷ điện Đa Nhim, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Sơn |
Theo đó, giá khởi điểm đấu giá tài sản là cát thu hồi từ hoạt động nạo vét các lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn huyện Lạc Dương, số tiền 3.060.931.000 đồng, cụ thể:
Cát thu hổi từ lòng hồ thủy điện Đạ Khai, xã Đạ Nhim: 897.132.000 đồng (263.885 đồng/m3 x 3.399,71 m3).
Cát thu hồi từ lòng hồ thủy điện Yan Tann Sien xã Đưng K'Nở: 1.075.074.000 đồng (255.390 đồng/m3 x 4.209,54 m3).
Cát thu hồi từ lòng hồ thủy điện Krông Nô 2, xã Đưng K’Nớ: 1.088.725.000 đồng (200.256 đồng/m3 x 5.436,66 m3).
|
Cát tận thu tại lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi tại tỉnh Lâm Đồng "chờ" đấu giá gần 2 năm qua. Ảnh: Lê Sơn |
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài chính và UBND huyện Lạc Dương chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung đề xuất bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tính chính xác, trung thực, khách quan; sự phù hợp của phương pháp xác định giá, trình tự, thủ tục, giá khởi điểm với giá thị trường tại thời điểm đã phê duyệt.
Quyết định này mở ra cơ hội, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động nạo vét các lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên đã ghi nhận thực tế tại các dự án nạo vét hồ, vùng nước công trình thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng:
|
Núi cát để quá lâu cỏ mọc phía trên. Ảnh: Lê Sơn |
|
Cỏ mọc không còn nhận ra đây là đống cát tại ven khu vực lòng hồ thuỷ điện Đa Nhim, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn |
|
Người Quản lý của dự án nạo vét lòng hồ thuỷ điện Đa Nhim, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng chỉ vào chiếc máy múc đã dừng hoạt động từ lâu. Ảnh: Lê Sơn |
|
Không những cỏ mọc mà cây bụt đã mọc bao chùm lên đống cát tận thu tại hồ thuỷ điện Đa Nhim, huyện Đơn Dương. Ảnh: Lê Sơn |
|
Thuyền hút cát đã không hoạt động gần 2 năm nay tại hồ thuỷ lợi P'ro, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn |
|
Cỏ mọc trên đống cát đã chết khô. Ảnh: Lê Sơn |
|
Hàng trăm nghìn mét khối cát tận thu tại Lâm Đồng chưa thể đưa ra thị trường để tiêu thụ gần 2 năm qua. Ảnh: Lê Sơn |
|
Trên đống cát tận thu xuất hiện hiện tượng trôi cát bởi các trận mưa thời gian qua. Ảnh: Lê Sơn |
|
Cát tận thu tại hồ thuỷ lợi tại xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cũng đang nằm chất đống chờ đấu giá. Ảnh: Lê Sơn |
|
Cát được nạo vét, tận thu tại lòng hồ thuỷ điện Đa Siat, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cũng chưa được đấu giá bán ra thị trường. Ảnh: Lê Sơn |
Những năm qua, Lâm Đồng luôn được coi là “thủ phủ” của các mỏ khoáng sản cát, đá; dự án nạo vét hồ, vùng nước công trình thuỷ lợi, thuỷ điện (khai thác, tận thu cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường)… Thế nhưng, gần 2 năm qua, hàng trăm nghìn mét khối cát của các doanh nghiệp nạo vét (lòng hồ thuỷ lợi, thuỷ điện) tại chỗ đang “đắp chiếu, phơi sương”, không thể đưa ra thị trường vì “chờ” đấu giá. Câu chuyện bắt nguồn vào tháng 3/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các Văn bản chỉ đạo (Văn bản số 2096/UBND-MT, ngày 22/3/2023; số 5869/UBND-MT, ngày 6/7/2023…) giao UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp tổ chức xác định khối lượng khoáng sản thu hồi trong quá trình nạo vét kết hợp tận thu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi công trình hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện đấu giá tài sản theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường. Từ đó, các doanh nghiệp nạo vét phải dừng bán cát tận thu, chờ đấu giá, dẫn đến lý do “đứt gãy” nguồn cung ứng cát tại Lâm Đồng từ đó đến nay. |