Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Lợi ích lớn từ chiếc tem nhỏ - Kỳ I: Bước đi tiên phong
MM Mega Market - DN tiên phong trong sử dụng smartphone để truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm |
Thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hiện đang là bài toán nhức nhối tại Việt Nam. Căn bệnh mất niềm tin của NTD đã khiến nhu cầu TXNG thực phẩm của các đối tượng trong chuỗi cung ứng hàng hóa trở nên bức thiết, đặc biệt là với DN sản xuất và phân phối.
Với dân số đông, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch lớn, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương tiên phong trong việc triển khai hệ thống minh bạch thông tin, TXNG điện tử cho các mặt hàng nông sản. Theo đó, tháng 8/2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã triển khai thí điểm hệ thống minh bạch thông tin, TXNG cho 5 DN phân phối và 6 cơ sở sản xuất, DN tham gia với hơn 500 dòng sản phẩm được dán tem nhận diện nguồn gốc qua QR code. Trong đó có 350 dòng sản phẩm của các DN đóng gói và phân phối, 205 dòng sản phẩm của cơ sở, DN sản xuất và chế biến. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 75 điểm bán nông sản thực phẩm có dán tem QR code nhận diện nguồn gốc điện tử.
Tại phía Nam, “Đề án Quản lý, nhận diện và TXNG thịt heo” do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh triển khai cũng bắt đầu thực hiện từ ngày 16/12/2016. Người dân TP. Hồ Chí Minh có thể mua và trực tiếp kiểm tra thịt lợn bằng công nghệ thông tin (Te-Food) tại 346 điểm bán, cơ sở kinh doanh của các hệ thống siêu thị bán lẻ tham gia thí điểm. Khi sử dụng ứng dụng Te-Food, người dùng sẽ tra cứu được thông tin xuất xứ từ quầy bán lẻ đến nơi giết mổ, trang trại chăn nuôi… qua con tem có chứa mã QR của miếng thịt lợn. Tiếp đó, từ ngày 1/3/2017, thành phố chính thức thử nghiệm đề án tại các kênh phân phối truyền thống. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, đề án này sẽ được ngành Công Thương thành phố nhân rộng ra các mặt hàng khác…
Chia sẻ về công nghệ TXNG điện tử, PGS-TS. Lê Sỹ Vinh- Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) - một trong những người nghiên cứu, xây dựng hệ thống TXNG tại Hà Nội- cho biết: Mỗi DN tham gia thí điểm sẽ có một tài khoản để cập nhật và quản lý danh sách các sản phẩm đang kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cũng như các cơ sở phân phối đang hợp tác. DN có thể tự tạo và in tem QR code để dán lên sản phẩm nhưng quyền phê duyệt DN tham gia và sản phẩm đăng ký trong hệ thống sẽ thuộc về cơ quan quản lý.
Với NTD, chỉ cần sử dụng smartphone chạy với hệ điều hành IOS hoặc Android có kết nối mạng Internet là có thể quét mã QR để tra cứu thông tin về sản phẩm, cơ sở sản xuất và phân phối. Không những thế, hệ thống cũng sẽ hiển thị giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm như chứng nhận VietGAP, chứng nhận rau an toàn.
Đối với nhà quản lý, giao diện sẽ hiển thị tên đơn vị quản lý, logo, có chức năng xem và tìm kiếm các thông tin về DN cũng như sản phẩm trong hệ thống.
TXNG cho phép NTD có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn chế biến, phân phối, từ đó khôi phục niềm tin vào sản phẩm, DN sản xuất và phân phối. |
Kỳ II: Tín hiệu lạc quan