Trình diễn “Nghệ thuật trang trí trên vải của người Lô Lô”
Chia sẻ tại sự kiện, chị Lùng Thị Minh đến từ Nhóm sản xuất thổ cẩm Lô Lô (thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cho hay: Trang phục của người Lô Lô khá nổi bật về màu sắc và hình thức trang trí, trong đó màu đỏ là màu chủ đạo với vô số các chi tiết thêu ghép vải cùng các phụ kiện đính kèm.
Mỗi người phụ nữ Lô Lô đỏ đều có một chiếc hòm bằng gỗ hoặc bằng tôn để cất giữ những bộ trang phục truyền thống được truyền qua các thế hệ trong gia đình. Họ ít khi giặt các bộ trang phục này mà thường đem chúng ra phơi trong những ngày nắng đẹp và lộn trái mặt vải khi cất đi để giữ cho chúng không bị bạc, phai màu. Họ chỉ mang các bộ trang phục đẹp ra mặc trong các dịp đặc biệt như lễ hội, ngày tết...
Trình diễn “Nghệ thuật trang trí trên vải của người Lô Lô” |
Phụ nữ Lô Lô mặc áo cánh thêu nhiều ở hai ống tay, trước ngực và sau lưng với quần ống rộng, trang trí dọc ở hai bên ống. Họ còn choàng thêm một tấm vải trang trí dày đặc hoa văn phủ quanh hông cùng hai hoặc ba chiếc thắt lưng thêu, và quấn một chiếc khăn nhuộm chàm với vô số các quả bông nhỏ trên đầu.
Phụ nữ Lô Lô thường mất khoảng 1 năm để thêu và hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống tinh xảo. Tuy nhiên, trong những năm gần đây phụ nữ Lô Lô có xu hướng mua trang phục may sẵn với các họa tiết được in vi tính hàng loạt bày bán trên thị trường.
Chính vì vậy nghề thêu truyền thống của người Lô Lô bị mai một dần và có nguy cơ thất truyền. Trăn trở vì điều này, từ năm 2011 Công ty Cổ phần Doanh nghiệp xã hội Craft Link (Craft Link) đã phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh Hà Giang tiến hành 1 dự án hỗ trợ nhóm Lô Lô ở Mèo Vạc nhằm phục hồi kỹ năng làm hàng thủ công truyền thống và khuyến khích thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống thêu lâu đời của dân tộc Lô Lô. Đồng thời, hỗ trợ họ học cách sử dụng các mẫu hoa văn truyền thống cùng nguyên liệu độc đáo để thể hiện nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc của họ.
Chị Lùng Thị Minh giới thiệu quy trình nhuộm chàm cho vải |
“Ngày xưa ông bà cao tuổi đều biết làm nghề thủ công truyền thống nhưng hiện nay lớp trẻ không còn nhiều người biết làm nữa. Vì vậy, chúng tôi tham gia dự án do Craft Link hỗ trợ để giữ gìn, bảo tổn bản sắc của mình và truyền lại cho con cháu mai sau”, chị Minh chia sẻ.
Chị Minh cũng cho hay, sau hơn 10 năm tham gia dự án, nghề thủ công của đồng bào dân tộc Lô Lô không những được giữ gìn, phát triển mà còn đem lại giá trị kinh tế, giúp chị em trong thôn làm nghề, có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống trong gia đình.
Được biết, bên cạnh sự đồng hành của Craft Link, chính quyền thị trấn Mèo Vạc và huyện Mèo Vạc đã theo dõi sát sao và hỗ trợ kịp thời cho bà con dân tộc Lô Lô khôi phục nghề truyền thống thông qua hỗ trợ kinh phí mua máy khâu, giới thiệu và quảng bá sản phẩm của bà con tại các hoạt động xúc tiến thương mại.
Có thể thấy, dự án hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống và cải thiện sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số Lô Lô của Craft Link đã phát huy hiệu quả, đời sống của bà con thay đổi tích cực.
Bà Trần Tuyết Lan - Giám đốc Craft Link chia sẻ về dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc Lô Lô tại Mèo Vạc |
Tuy nhiên, để truyền thống văn hoá của bà con dân tộc Lô Lô đỏ lan toả mạnh mẽ hơn, chị Minh mong muốn, chính quyền xã, huyện tiếp tục hỗ trợ bà con kinh phí mua máy khâu nhằm tăng năng suất lao động. Craft Link đẩy mạnh các hoạt động quảng bá giới thiệu đồng thời tăng thu mua sản phẩm giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chia sẻ bên lề sự kiện, bà Trần Tuyết Lan - Giám đốc Craft Link thông tin, sản phẩm của nhóm dân tộc thiểu số Lô Lô vẫn được hỗ trợ tiêu thụ qua kênh đại lý trong nước của doanh nghiệp. Đồng thời, được Craft Link xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
"Nhóm dân tộc Lô Lô tại Sảng Pả A là một trong số rất nhiều nhóm dân tộc thiểu số được Craft Link hỗ trợ khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống và cải thiện sinh kế cho bà con. Hiện 51% lãi của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh được Craft Link đưa quay trở lại hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, nhóm khuyết tật và nhóm làng nghề truyền thống trên cả nước", bà Lan nói.
Tiếp tục thành quả đạt được trong năm 2023, năm 2024 bên cạnh các hoạt động hỗ trợ thường xuyên, Craft Link tiếp tục tổ chức một số hoạt động trình diễn nghề truyền thống, trình diễn sản phẩm truyền thống ở cả quy mô nhỏ và lớn. Từ đó lan toả mạnh mẽ hơn nét đẹp và giá trị văn hoá truyền thống tới cộng đồng, đồng thời có thêm có thêm sự trợ sức cùng Craft Link tiếp tục hành trình đã kéo dài 28 năm hỗ trợ các nhóm yếu thế.
Sau đây là một số hình ảnh tại buổi trình diễn: