Trà quế: Phương thuốc tốt hỗ trợ người bệnh tiểu đường
Hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường
Tiểu đường là một căn bệnh mãn tính, đặc trưng bởi lượng đường trong máu tăng cao. Điều này có thể dẫn đến một số bệnh khác bao gồm bệnh tim, các vấn đề liên quan đến thận. Do đó, nên kiểm soát lượng đường trong máu bằng lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống cân bằng. Trong đó, trà quế được khuyến cáo sử dụng, bởi quế có tác dụng cải thiện độ nhạy insulin. Thêm 1-2 thanh quế vào trà ấm có khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu, nhất là uống lúc bụng đói vào sáng sớm.
Trà quế có tác dụng hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường |
Nhiều nghiên cứu cho thấy, quế rất giàu cinnamaldehyde, chịu trách nhiệm thúc đẩy giải phóng insulin và tăng cường độ nhạy insulin. Nó cũng giúp phát huy tác dụng trong việc điều hòa protein-tyrosine phosphatase 1B (PTP1B) và kinase của thụ thể insulin… Tất cả những đặc tính này cùng nhau làm cho quế trở thành phương thuốc tốt, để hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu khác của Mỹ cho thấy, quế còn làm giảm nồng độ đường glucose dài hạn hoặc HbA1C (lượng đường glucose gắn với hemoglobin trong các tế bào hồng cầu) ở bệnh nhân tiểu đường.
Các nhà khoa học của Đại học California-Davis (Mỹ) chỉ ra, chưa có nghiên cứu nào cho thấy quế ảnh hưởng tiêu cực đến lượng đường trong máu. Gia vị này là một lựa chọn an toàn cho người bệnh tiểu đường muốn thay thế đường, muối và các chất tạo hương vị có khả năng gây hại khác. Quế và các loại thảo mộc khác như nghệ tây, gừng, bạch đậu khấu không ảnh hưởng đến huyết áp, số đo cơ thể hoặc chỉ số khối cơ thể ở bệnh nhân tiểu đường type 2.
Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Hồng Thanh - chuyên gia tư vấn sức khỏe của Nutricare – cho biết, quế có thể bắt chước tác dụng của insulin. Khi đi vào cơ thể, Methyl Hydroxy Chalcone Polymer của quế có tác dụng tương tự như insulin. Chất này tăng cường sự vận chuyển glucose vào các tế bào để tạo ra năng lượng mà không để chúng tích tụ trong máu.
Bên cạnh đó, Phenolic trong quế có thể tăng độ nhạy của insulin, giúp các tế bào trong máu sử dụng glucose hiệu quả hơn và hạn chế tăng đường huyết. Với khả năng này, quế có tác dụng kìm hãm đường huyết tăng đột ngột sau khi ăn để bảo vệ người bệnh khỏi những biến chứng xấu của tiểu đường.
Ngoài tác dụng giảm đường huyết, quế còn mang lại hiệu quả trong việc ngăn ngừa những biến chứng của bệnh tiểu đường, đặc biệt là các biến chứng về /chu-de/tim-mach.topic. Ăn quế sẽ giúp người bệnh giảm cholesterol xấu LDL và tăng cholesterol tốt HDL, ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn mạch máu, xơ vữa động mạch.
Cách sử dụng hiệu quả
Để sử dụng quế có hiệu quả tốt nhất cho người tiểu đường, giới chuyên gia khuyến cáo, đối với bột quế, người bệnh sử dụng 1 thìa (3,25g) mỗi ngày, dùng trong 5 ngày, rồi ngưng dùng 2 ngày. Không nên dùng liên tục bởi có thể gây nên những tác dụng phụ không tốt như: Tổn thương gan, lở loét miệng…
Người bệnh có thể ăn trực tiếp hoặc dùng thanh quế để nấu với nước rồi uống như trà. Phương pháp dùng này giúp giữ trọn những dưỡng chất có trong quế.
Với trà quế, chỉ nên uống 1 ly/ngày, trong vòng 5 ngày và dừng vào 2 ngày tiếp theo.
Quế tuy hữu ích trong kiểm soát đường huyết nhưng không thể thay thế cho các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường truyền thống. Vì vậy, cần tham vấn ý kiến của y bác sĩ trước khi sử dụng. Đặc biệt, những người bị bệnh gan hoặc tổn thương gan nên cẩn trọng khi dùng quế. Việc sử dụng quá mức quế có thể gây ra những vấn đề với gan.
Cách pha trà quế: Trước hết cần rửa sạch để loại bỏ các chất bụi bẩn, sau đó đun 200ml nước đến khi sôi thì cho quế vào, đun thêm 5 phút thì tắt bếp. Có thể cho thêm chanh, mật ong vào trà quế để thức uống thơm ngon hơn. Người bệnh tiểu đường cần chú ý liều lượng mật ong khi sử dụng. |
* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần tham vấn ý kiến của y, bác sĩ trước khi sử dụng