TP. Hồ Chí Minh ứng dụng số trong quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn thành phố năm 2024.
Theo kế hoạch, UBND TP. Hồ Chí Minh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở An toàn Thực phẩm, các sở, ban, ngành quản lý sản phẩm, hàng hóa xây dựng các tài liệu hướng dẫn về mô hình thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố và sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhằm chuẩn hóa phương thức thực hiện truy xuất nguồn gốc, áp dụng một cách nhất quán trên địa bàn thành phố.
Việc truy xuất nguồn gốc sẽ giúp thông tin sản phẩm minh bạch, an toàn |
Kế hoạch cũng yêu cầu các đơn vị phải xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa cho các đơn vị tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc; xây dựng và triển khai các hoạt động kết nối và đưa sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý đã thực hiện truy xuất nguồn gốc đến người tiêu dùng thành phố; quan tâm hoạt động liên kết với các tỉnh, thành trong việc kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản, thực phẩm đã thực hiện truy xuất nguồn gốc về thành phố.
Việc triển khai kế hoạch nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc đến các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch cũng đồng thời tạo ra một cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa mang tính hệ thống, công khai minh bạch, xác thực các thông tin truy xuất nguồn gốc thông qua việc kết hợp giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truy xuất nguồn gốc kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia.
Tại TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay đã ban hành nhiều chính sách nhằm triển khai thực hiện và thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa như: 3 Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc (thịt heo, trứng gia cầm, thịt gia cầm) thuộc Dự án Mô hình Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020); Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 -2020…
Trong đó, đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đã tổ chức kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ khi heo được xuất bán tại 3.385 trang trại, được vận chuyển đến 116 cơ sở giết mổ (114 code đang hoạt động) và kinh doanh tại 2 chợ đầu mối (Hóc Môn và Bình Điền), 1.240 cơ sở kinh doanh lẻ thịt heo (1.162 code đang hoạt động) tại các chợ lẻ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố.
Đối với gia cầm, đề án quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm của thành phố đang tổ chức kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm từ giai đoạn gà giống xuất trại đến điểm bán có sự tham gia của 60 trang trại gà giống (58 code đang hoạt động), 775 trang trại gà lấy thịt (trong đó có 768 code đang hoạt động, với sản lượng 19,501 triệu con/năm), 29 cơ sở giết mổ, đóng gói, 476 điểm bán lẻ (473 code đang hoạt động) tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố...