TP. Hồ Chí Minh triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương năm 2023
Sáng 2/11, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị công bố triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của TP. Hồ Chí Minh năm 2023. Đây là năm thứ hai, TP. Hồ Chí Minh triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương.
Đại biểu tham dự hội nghị |
Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2023 từ nay đến tháng 1/2024. UBND thành phố yêu cầu kết quả đánh giá năm 2023 phải đảm bảo phân tích đầy đủ, so sánh với kết quả đánh giá năm 2022, làm rõ những gợi ý chính sách, khuyến nghị cho từng sở, ngành, địa phương nói riêng và thành phố nói chung.
Trong quá trình đánh giá, tăng cường sự tham vấn từ các chuyên gia, doanh nghiệp, tư vấn độc lập, nhất là các nhà đầu tư chiến lược để có những đánh giá nhiều chiều về các chính sách do Chính phủ ban hành và hiệu quả trong cách thức triển khai của chính quyền địa phương.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Năm 2022, TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Qua đó, giúp các cơ quan, đơn vị này nhìn nhận những điểm mạnh, điểm hạn chế trong công tác điều hành kinh tế - xã hội. Từ đó đề ra hướng khắc phục, cải thiện hợp lý, để ngày càng nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ thiết thực hơn, tốt hơn cho doanh nghiệp và cả người dân.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá: Bộ chỉ số triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2023 đã có sự chắt lọc từ những tiêu chí cũ, gắn với từng ngành, từng lĩnh vực của doanh nghiệp |
Theo ông Võ Văn Hoan, năm 2023, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương. Bộ chỉ số đánh giá năm 2023 đã được thành phố tham vấn và ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp, các chuyên gia, tư vấn độc lập để đảm bảo được tính toàn diện, đa chiều từ góc nhìn của nhiều bên; có sự chắt lọc từ những tiêu chí cũ, gắn với từng ngành, từng lĩnh vực của doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ chỉ số năm nay đề xuất tiêu chí mới như: Chỉ số xanh, chỉ số sức khỏe và môi trường. Thành phố kỳ vọng những tiêu chí mới này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị TP. Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp về phát triển bền vững.
Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong quá trình khảo sát, đánh giá, UBND Thành phố cũng đã mời các chuyên gia có uy tín từ các /chu-de/hiep-hoi-doanh-nghiep-chau-au-tai-viet-nam.topic trong và ngoài nước, các viện, trường đại học tham gia Hội đồng đánh giá, đưa ra các khuyến nghị.
Từ kết quả thu được, TP. Hồ Chí Minh sẽ chấn chỉnh những tồn tại, triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao trách nhiệm giải trình với doanh nghiệp, người dân, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh chuyển đổi số, tăng thực hiện dịch vụ công trực tuyến...
Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh giới thiệu về kế hoạch triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương và Bộ chỉ số đánh giá năm 2023 |
Tại hội nghị, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) đã thông tin về kế hoạch triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương và Bộ chỉ số đánh giá năm 2023.
Dự kiến khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sẽ tham gia thực hiện các khảo sát đánh giá năng lực điều hành kinh tế của sở, ban ngành và các địa phương. Trong đó, có 8.000 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương và 7.000 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ngành. Số phiếu khảo sát dự kiến khoảng 50.000 phiếu.
TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2023 vào ngày 28/2/2024 và triển khai kế hoạch ngay sau đó.
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi và đề xuất các giải pháp tại hội nghị |
Tại hội nghị, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước… đã chia sẻ, thảo luận và trao đổi thẳng thắn những hạn chế và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực với đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện.
Ghi nhận, đánh giá cao các giải pháp rất tâm huyết và rất sát với thực tế hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan cho biết: Chủ đề năm 2023 của thành phố là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Để đạt được mục tiêu này, ông Võ Văn Hoan đề nghị các sở, ban ngành, địa phương quán triệt nội dung, ý nghĩa và thực hiện nghiêm túc kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, đề nghị các hiệp hội, các ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu nông nghiệp, khu công nghệ cao phổ biến rộng rãi đến doanh nghiệp; đề nghị toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố tích cực tham gia khảo sát đánh giá đối với các sở, ban, ngành, quận, huyện…
“Sau khi có kết quả đánh giá, TP. Hồ Chí Minh sẽ chọn ra một số lĩnh vực liên quan đến các điểm nghẽn cần khắc phục ngay để tập trung triển khai những giải pháp, mô hình, cách làm, mục tiêu cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc cho môi trường đầu tư, kinh doanh” - ông Võ Văn Hoan thông tin.
Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của TP. Hồ Chí Minh được xây dựng dựa trên cơ sở bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là bộ chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư của các sở, ngành, địa phương thành phố. Các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số năm 2023, gồm: Tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự; Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; Chỉ số xanh; Môi trường sống và sức khỏe; Khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất. |