TP. Hồ Chí Minh: Hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động
Kế hoạch này nhằm tạo điều kiện cho người lao động đang làm việc được tham gia các khoá đào tạo nghề; đồng thời, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26-08-2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, được doanh nghiệp chọn đưa đi học các khoá đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng.
Người lao động tham gia khoá đào tạo phải đáp ứng điều kiện đã làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 6 tháng liên tục trước khi tham gia khoá đào tạo.
Người lao động tham gia khoá đào tạo phải đáp ứng điều kiện đã làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 6 tháng liên tục trước khi tham gia khoá đào tạo. (Ảnh: Vneconomy) |
Trường hợp người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng điều kiện quy định khi tham gia các khoá đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng trở xuống mới được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo nghề. Mức hỗ trợ theo thông báo của cơ sở đào tạo nghề nhưng tối đa không quá mức quy định tại điểm D, khoản 1, điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Trưởng Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Trường hợp chi phí đào tạo nghề do cơ sở đào tạo quy định cao hơn mức hỗ trợ và có chi phí phát sinh khác khi học viên tham gia khoá đào tạo thì phần chi phí chênh lệch sẽ do doanh nghiệp và người lao động tự thoả thuận.
Thành phố cũng ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Đối với trường hợp người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp không phải doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đảm bảo thuộc một trong các điều kiện như: Người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn.