TP. Hồ Chí Minh đối thoại gỡ khó vay vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Sáng 14/6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố". Đây cũng là Hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 246 của Hệ thống Đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền thành phố.
Ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh - (Ảnh: Thanh Minh). |
Phát biểu tại sự kiện, ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) nhấn mạnh: Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực thi các chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng và quản lý ngoại hối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Đồng thời, phổ biến thông tin các quy định về việc thực hiện quy định đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp; cũng như kết hợp khảo sát ý kiến doanh nghiệp đánh giá về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng trên địa bàn hiện nay.
Hội nghị đối thoại thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp - (Ảnh: Thanh Minh). |
Tại hội nghị, Ban tổ chức đã tiếp nhận, giải đáp hàng chục câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về tiếp cận vốn vay; lãi suất; ngoại hối; thủ tục để doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được vốn tín chấp; các yêu cầu về thủ tục để được trợ vốn thực hiện dự án ngắn hạn thu hồi nhanh…
Doanh nghiệp nêu những khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận vốn vay ngân hàng tại hội nghị đối thoại - (Ảnh: Thanh Minh). |
Một vấn đề "nóng" được nhiều nhiều doanh nghiêp quan tâm đó là việc để doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được vốn tín chấp?
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - thông tin: Các ngân hàng thương mại cho vay cũng phải đảm bảo đúng quy định về điều kiện tín dụng cũng như các quy định khác để đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Đây là quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của Tổ chức tín dụng, đã được quy định tại Điều 7 Luật tổ chức tín dụng năm 2010 và cũng như Điều 7 Luật tổ chức tín dụng vừa được ban hành ngày 18/01/2024 mới đây.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - (Ảnh: Thanh Minh). |
Do đó, không có quy định ngân hàng thương mại không được cho vay tín chấp doanh nghiệp, cũng không có quy định cụ thể làm thế nào để được ngân hàng cho vay tín chấp. Bởi vì, việc cho vay tín chấp tiềm ẩn rủi ro nếu khoản vay mà khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng thương mại bị mất vốn (có thể nói gần như mất trắng 100%).
Ông Nguyễn Đức Lệnh giải thích thêm, mỗi ngân hàng thương mại sẽ có đánh giá cụ thể về vấn đề này, mà chính là yếu tố “niềm tin” của ngân hàng đối với khách hàng thông qua khách hàng có phải là khách hàng truyền thống của ngân hàng hay không? Điểm chấm điểm đánh giá khách hàng của ngân hàng như thế nào? Dòng tiền thu – chi của khách hàng có 100% qua sự quản lý của ngân hàng hay không?…
Do đó, nếu doanh nghiệp đã và đang quan hệ tốt với ngân hàng thương mại nào rồi thì nên thông qua sự tư vấn của chính ngân hàng thương mại đó để được xem xét việc cho vay tín chấp ở mức tỷ lệ nào đó khi mà khách hàng đáp ứng được các điều kiện cho vay tín chấp mà ngân hàng đưa ra. Đây chỉ là một trong các khả năng vì còn rất nhiều yếu tố khác trong quá trình đánh giá khách hàng để cho vay của ngân hàng như hiệu quả dự án, tình hình tài chính, khả năng trả nợ…
Ngoài việc trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh còn giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời và hiệu quả.