Tp. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó
Hàng Việt Nam tại Hàn Quốc.
Mặt hàng có kim ngạch XK tăng trưởng khá thuộc về hàng công nghiệp, nhóm hàng này đạt 3,9 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ (không tính dầu thô). Trong đó, hàng dệt may đạt 1,19 tỷ USD, tăng 8,3%; sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, máy tính đạt 988,2 triệu USD, tăng 73,5%; mặt hàng giày dép đạt 565,2 triệu USD, tăng 12,6%; sản phẩm thiết bị, dụng cụ, máy móc, phụ tùng đạt 348,9 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong nhóm hàng công nghiệp, có những mặt hàng trước đây kim ngạch XK tăng trưởng rất cao nay bị giảm sút như: Sản phẩm chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ, kim loại quý, hàng thủ công mỹ nghệ…
Bà Nguyễn Thị Cúc- Chủ nhiệm Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu gặp không ít khó khăn, phần đông đều đang gặp cảnh “ăn đong” từng đơn hàng. Ông Nguyễn Trường Thanh- Giám đốc DNTN Trường Hải chuyên làm hàng mây tre xuất khẩu cũng chia sẻ, tình hình sản xuất và XK các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng "đuối" do đầu ra hàng hóa ngày càng bị thu hẹp.
Các DN sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ XK còn gặp nhiều khó khăn hơn khi giá trị đồng Euro và đồng Yên rớt giá dẫn đến lợi nhuận giảm. Bà Trần Thúy Quỳnh- Phó giám đốc Công ty TNHH Thăng Bình (quận Bình Tân) cho biết, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiêu thụ mạnh ở thị trường châu Âu và Nhật Bản, nhưng do giá trị đồng Euro và đồng Yên hiện nay xuống thấp làm cho DN không còn lãi.
Đặc biệt, nhóm hàng nông- lâm- thủy sản, kim ngạch XK những tháng đầu năm giảm mạnh, mặc dù đây là những mặt hàng XK chủ lực của thành phố trước đây. Cụ thể: Quý 1/2015, kim ngạch chỉ đạt 919 triệu USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ. Trong đó kim ngạch XK gạo giảm mạnh nhất, chỉ đạt 93,6 triệu USD, giảm 70,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những khó khăn này khiến mục tiêu tăng kim ngạch XK 8-10%, ước đạt 32,068 tỷ USD trong năm 2015 gặp thách thức không nhỏ. Bên cạnh đó, bởi nhiều lý do khách quan, DN XK“sức khỏe” ngày càng yếu. Đại diện DN XK phân bón sang thị trường Campuchia, Myanmar ở Tp. Hồ Chí Minh cho biết, DN làm hàng XK hiện nay ngoài thiếu vốn để quay vòng, tìm đối tác, mở rộng thị trường, họ còn chịu áp lực rất lớn do thủ tục hành chính, thông quan hàng hóa rườm rà, phiền hà...
Tại buổi đối thoại về thuế với các DN tổ chức mới đây, nhiều DN bức xúc “kể khổ”: Chậm cải cách thủ tục tính thuế, áp mã thuế; chưa thực hiện đúng quy định hoàn thuế, chậm khóa mã thuế gây phiền, thiệt hại cho DN.