Thứ hai 23/12/2024 07:43

TP. Cần Thơ: Vì sao thu hút đầu tư chưa xứng với tiềm năng?

Với vị thế là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Cần Thơ có nhiều lợi thế để phát triển, thế nhưng thực tế thu hút đầu tư lại chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Tiềm năng lớn nhưng thu hút đầu tư chưa đạt kỳ vọng

Nằm ở vị trí chiến lược trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Cần Thơ được xem là trung tâm giao thương và kết nối quốc tế khi sở hữu hệ thống sông ngòi chằng chịt, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho các ngành công nghiệp chế biến nông sản, nuôi trồng thủy sản, và xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, với mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy phong phú, TP. Cần Thơ có khả năng liên kết tốt với các tỉnh trong vùng và các quốc gia khác.

TP. Cần Thơ hiện có 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ảnh: Báo Thanh Niên

Tuy nhiên, số lượng dự án đầu tư vào Cần Thơ vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng này. Theo UBND TP. Cần Thơ, hiện thành phố có 91 dự án đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp) đang được triển khai thực hiện, tổng diện tích sử dụng đất là 1.910,38ha; 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 2.219,74 triệu USD; 275 dự án trong khu công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,932 tỷ USD.

Việc thu hút đầu tư vào TP. Cần Thơ chưa đạt được kỳ vọng, nhất là thu hút FDI từ các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia, các dự án mang tính dẫn dắt; số lượng dự án đầu tư vào thành phố có quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều trên các ngành, lĩnh vực (chủ yếu là xây dựng nhà ở và thương mại dịch vụ, rất ít dự án sản xuất, chế biến, chế tạo); tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký chưa cao.

Những ‘điểm nghẽn’ trong thu hút đầu tư

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thường niên TP. Cần Thơ năm 2024, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã phân tích các nguyên nhân khiến thu hút đầu tư vào Thành phố hiện nay còn chưa đạt được kỳ vọng. Cụ thể, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống đường bộ, cảng và logistics tại Cần Thơ vẫn chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư lớn.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, phát biểu khai mạc Diễn đàn diễn đàn kinh tế thường niên TP. Cần Thơ 2024. Ảnh Báo Cần Thơ

Hiện tại, TP. Cần Thơ chưa có nhiều tuyến cao tốc lớn nối liền với các tỉnh khác, khiến việc vận chuyển hàng hóa và đi lại trở nên bất tiện. Mặc dù Cần Thơ có sân bay quốc tế và hệ thống cảng biển nội địa, nhưng các tuyến giao thông kết nối đến các khu vực sản xuất chính vẫn còn hạn chế, gây trở ngại trong việc xây dựng chuỗi cung ứng công nghiệp chặt chẽ và hiệu quả.

Ngoài ra, các khu công nghiệp tại Cần Thơ cũng gặp khó khăn trong việc mở rộng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là những nhà đầu tư quốc tế, thường ưu tiên các địa điểm có hạ tầng giao thông phát triển, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa.

Hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông là những điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm đầu tư vào TP. Cần thơ nói riêng và cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Mặc dù, hiện tại đã có sự quan tâm đầu tư nhưng mức đầu tư còn hạn chế so với các khu vực khác trên cả nước Mặt khác; giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò rất quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, song lại thiếu đầu tư trầm trọng, nên chưa phát huy thế mạnh đặc thù của hệ thống sông, kênh đường thủy.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng cho rằng, mặc dù thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, song các chính sách ưu đãi hiện tại vẫn chưa đủ hấp dẫn để cạnh tranh với các thành phố lớn khác như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương hay Đồng Nai. TP. Cần Thơ chưa có các gói ưu đãi đặc thù cho các ngành công nghiệp chiến lược, dẫn đến việc không thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng và công nghệ cao.

Đặc biệt, môi trường pháp lý chồng chéo, bất cập, mặc dù thời gian qua thành phố Cần Thơ đã nghiên cứu và đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhưng vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn nắm giữ công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến, nhất là lĩnh vực bán dẫn... phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch chung của TP. Cần Thơ.

Ngoài ra, nguồn nhân lực tại TP. Cần Thơ và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long còn hạn chế về trình độ, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao và kỹ thuật chuyên sâu. Mặc dù có nhiều trường đại học, cao đẳng nhưng hệ thống đào tạo nghề và kỹ thuật chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động. Các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào TP. Cần Thơ thường gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng cao, dẫn đến việc chi phí đào tạo và phát triển nhân lực tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Đổi mới để phát triển bền vững

Để khắc phục những điểm nghẽn và tạo động lực phát triển mới, chính quyền Cần Thơ đang đề xuất nhiều giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhận định, thành phố cần phải đổi mới tư duy để nâng cao hiệu quả, thu hút đầu tư

“Từ lãnh đạo đến từng công chức của thành phố phải đổi mới tư duy, xác định những cách làm mới một cách cụ thể, phù hợp với quy định pháp lý và thực tiễn đặt ra; cũng như đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của mỗi chính sách”, ông Trần Việt Trường chia sẻ.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng nhấn mạnh, không phải cái mới nào cũng có thể dễ dàng tạo ra và được chấp nhận, triển khai có hiệu quả trong thời gian ngắn. Do đó, rất cần sự bền bỉ, sáng tạo trong toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố; sự thấu hiểu, đồng thuận từ phía người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; cũng như sự định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ ngành Trung ương.

Một trong những mục tiêu dài hạn của TP. Cần Thơ là trở thành đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với nền kinh tế phát triển bền vững và hội nhập. Để đạt được điều này, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh rằng thành phố phải chú trọng đến việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, không chỉ dựa vào vốn ngân sách mà còn cần khuyến khích sự tham gia của các quỹ đầu tư, ngân hàng và nhà đầu tư tư nhân. Bằng cách tạo ra các cơ chế ưu đãi và chính sách hỗ trợ, thành phố có thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Đồng thời, TP. Cần Thơ cần chú trọng phát triển hơn nữa hạ tầng kết nối khu vực và các cảng biển, đặc biệt là các tuyến cao tốc nối liền với các tỉnh lân cận, nâng cao năng lực khai thác cảng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, cung ứng cho thị trường thế giới... Cũng như, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cao cho các ngành công nghiệp đặc thù.

Ngân Nga
Bài viết cùng chủ đề: Thu hút đầu tư nước ngoài

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Triển khai các giải pháp để tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0% trở lên trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Ngành Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả khuyến công, góp phần xóa đói giảm nghèo

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phê chuẩn kết quả bầu ông Dương Minh Dũng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Sóc Trăng: Nông dân ‘đổi đời’ nhờ xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ

Giao lưu văn hóa giữa lực lượng biên phòng Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc)