Tổng công ty Điện lực - TKV: Hoàn thiện, đồng bộ cơ sở hạ tầng
Với 6/7 nhà máy tham gia thị trường điện cạnh tranh, sau 10 năm, các nhà máy của Tổng công ty Điện lực –TKV đã phát lên lưới điện quốc gia 79.542.923 MWh, mang lại doanh thu cho tổng công ty gần 99 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Ngô Trí Thịnh – Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực - TKV, thị trường điện cạnh tranh đã tạo môi trường minh bạch hơn. Các bên tham gia thị trường trên nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ từ khâu chào giá, xác nhận sự kiện, chốt chỉ số công tơ và thanh toán. Bên cạnh đó, tham gia thị trường điện cạnh tranh giúp tổng công ty linh hoạt hơn trong vận hành, chủ động được sản lượng phát...
Khen thưởng các tập thể có thành tích tiêu biểu trong năm 2021 |
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường điện cạnh tranh, những năm qua, Tổng công ty Điện lực - TKV đã chủ động đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo đúng hướng dẫn của Thông tư 42/2015/TT-BCT. Hiện tại, các hệ thống này đều vận hành ổn định và được thực hiện kiểm định định kỳ theo đúng quy định.
Nhờ sự đồng bộ của hệ thống công nghệ thông tin và sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các nhà máy của Tổng công ty Điện lực - TKV không gặp khó khăn nào trong quá trình chuyển đổi chu kỳ vận hành thị trường điện từ 60 phút xuống 30 phút trong năm 2020.
Tổng công ty cũng tổ chức lớp tập huấn, đào tạo về thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) cho cán bộ trực tiếp liên quan đến công tác thị trường, cũng như cử đại diện tham gia các lớp đào tạo do Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực tổ chức.
Tuy nhiên, ông Ngô Trí Thịnh cho rằng, việc tham gia vận hành trong thị trường điện cạnh tranh cũng phát sinh một số khó khăn, thách thức. Cụ thể, công suất tổ máy huy động chưa được ổn định, có thời điểm, chu kỳ trước công suất huy động vừa tăng, chu kỳ sau công suất huy động đã giảm hoặc ngược lại và trong một ngày xuất hiện nhiều lần tăng/giảm tải. Quá trình tăng/giảm tải liên tục như vậy ảnh hưởng lớn đến việc vận hành cũng như tuổi thọ của các thiết bị và bề mặt trao đổi nhiệt của lò hơi.
Hiện nay mức giá trần chưa đủ cao trong khi mức giá sàn lại rất thấp. Điều này dẫn đến giá bán bình quân trên thị trường luôn thấp hơn so với giá bán điện trong hợp đồng (giá bán bình quân trên thị trường cao điểm vào các tháng mùa khô cũng chỉ dao động ở mức 1.200 đ/kwh trong khi giá bán theo hợp đồng của các nhà máy nhiệt điện hiện nay đều trên 1.300 đ/kwh). Do đó, sản lượng điện hợp đồng (Qc) không mang nhiều ý nghĩa về việc chia sẻ rủi ro giữa bên bán và bên mua.
Ngoài ra, thời gian thanh toán của các nhà máy kéo dài hơn so với trước khi vào thị trường do hồ sơ thanh toán phức tạp hơn, phải có sự xác nhận của nhiều bên tham gia. Vì vậy, các đơn vị cũng mất nhiều thời gian trong việc lập và phê duyệt hồ sơ thanh toán.
Cùng với đó, công tác lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cũng như kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng hàng năm của tổng công ty phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Nhiều yếu tố biến động cần phải xét đến, bao gồm: Thời tiết, biến động giá nhiên liệu, tăng trưởng phụ tải, ảnh hưởng của dịch bệnh, ... Công tác lập kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng hàng năm cũng chịu ảnh hưởng bởi dự đoán tình hình thị trường và lựa chọn thời điểm dừng tổ máy đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn trên hệ thống cũng như doanh thu của nhà máy.
Năm 2022, Tổng công ty Điện lực - TKV đặt mục tiêu: Sản xuất hơn 10,6 tỷ kWh; sản xuất 120 nghìn tấn than; chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, cải tiến kỹ thuật theo hướng nâng cao hiệu suất, hiệu quả, thân thiện môi trường; tạo khuôn viên cây xanh, cảnh quan môi trường theo hướng “nhà máy trong công viên”; cải thiện nâng cao điều kiện sống, thu nhập người lao động. |