Tổ công tác đặc biệt ở Nghệ An hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư
Tổ công tác kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn Nghệ An.
Vai trò đặc biệt quan trọng của Tổ công tác
Tổ công tác đặc biệt được UBND tỉnh Nghệ An thành lập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Từ đó, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án hỗ trợ, xử lý khó khăn, vướng mắc phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn; đối với các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, điều chỉnh bổ sung kịp thời.
Trong năm 2023, Tổ công tác đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch số 70 về việc triển khai các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2023.
Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch và mục tiêu tăng trưởng năm 2023, Thường trực Tổ công tác đã rà soát và có văn bản số 153 gửi các sở, ngành, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn để nắm bắt thông tin và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, dự án đầu tư sản xuất công nghiệp toàn tỉnh để có kế hoạch làm việc cụ thể.
Cụ thể, phối hợp với các ngành triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Hỗ trợ chuyển đổi số về quy trình kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp mua sắm máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công và chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2023.
Bên cạnh đó, thường trực Ban chỉ đạo đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn các địa phương như: Thành phố Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Thanh Chương; các doanh nghiệp trong KCN VSIP Nghệ An, KCN WHA Zone 1… để nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, công tác quản lý cụm công nghiệp và những khó khăn, vướng mắc để lãnh đạo tỉnh nắm tình hình.
Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc tại các nhà máy sản xuất trên địa bàn |
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ Ankhẳng định, tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ cũng như kết nối trực tiếp và trực tuyến với đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.
Về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư triển khai ngoài Khu kinh tế, khu công nghiệp, Tổ công tác đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện Yên Thành hoàn tất thủ tục giao đất đối với dự án Nhà máy sản xuất và gia công giày dép Vietfast; hỗ trợ thủ tục thông qua chủ trương đầu tư Hệ thống tận dụng nhiệt khí thải, công suất 8W - Nhà máy xi măng Tân Thắng… Ngoài ra, Tổ công tác đã chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tham mưu UBND tỉnh giải quyết kiến nghị về hỗ trợ nâng cấp đường giao thông vào vùng nguyên liệu và công tác quản lý, vận hành, mua bán điện phục vụ hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH; đôn đốc chủ đầu tư và đơn vị thi công hoàn thiện và thông tuyến đường từ Khu công nghiệp (KCN) Hoàng Mai II đi vào Nhà máy xi măng Tân Thắng đã kéo dài nhiều năm đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp…
Cùng với đó, Tổ công tác tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp xúc với các tham tán thương mại tìm kiếm thị trường mới. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu và hỗ trợ các thủ tục xuất nhập khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Tây Á,… để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực sản xuất cho các nhà máy. Phối hợp với các tỉnh, hiệp hội tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, tổ chức hội nghị tập huấn "Quy tắc và thủ tục chứng nhận các FTA mà Việt Nam tham gia” để các doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới… Bên cạnh đó, Tổ công tác chỉ đạo phối hợp hỗ trợ các dự án, nhà đầu tư trong Khu kinh tế Đông Nam, khu công nghiệp. Giải quyết kiến nghị khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư thứ cấp trong quá trình ổn định sản xuất.
Lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An kiểm tra tình hình sản xuất tại các nhà máy may trên địa bàn |
Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cũng cho biết thêm, trong năm 2024, Tổ công tác tiến hành rà soát tình hình thực tế hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp và tiến độ các dự án đầu tư công nghiệp trọng điểm quy mô lớn để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và có giải pháp tháo gỡ, đảm bảo đưa dự án đi vào hoạt động đúng kế hoạch. Đôn đốc chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất và hồ sơ thủ tục đối với các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực.
Ngành Công Thương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin xuất, nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, gặp gỡ các tham tán thương mại để đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất thông qua các hoạt động khuyến công. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để tham gia cao hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Ngoài ra, tập trung rà soát, đôn đốc các sở, ngành, cơ quan, địa phương phải xử lý, giải quyết các nhiệm vụ được giao còn nợ đọng, chưa xử lý triệt để; qua kiểm tra giao thêm nhiệm vụ nếu phát hiện còn tồn tại bất cập. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành trật tự xây dựng, tiến độ đầu tư, bảo vệ môi trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh. Thay đổi phương thức làm việc của Tổ công tác phù hợp với thực tiễn chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong từng thời điểm cụ thể. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra, đôn đốc, không nhất thiết phải tổ chức nhiều đợt, nhiều đoàn kiểm tra, đôn đốc thực địa.
Các thành viên Tổ công tác đề cao trách nhiệm cá nhân, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, củng cố niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.