Tỉnh Đồng Nai: Mở rộng cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp
Trong cơ cấu xuất khẩu (XK) của tỉnh Đồng Nai, 2/3 kim ngạch XK thuộc về nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ. Hiện Đồng Nai là một trong những trung tâm sản xuất và XK nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Đóng góp quan trọng
Trong 6 tháng năm 2022, kim ngạch XK của Đồng Nai đạt trên 13,2 tỷ USD. Trong đó, có hơn 8,8 tỷ USD là những mặt hàng đầu vào cho sản xuất về công nghiệp hỗ trợ như: Điện tử và linh kiện, thiết bị máy móc và phụ tùng, xơ sợi dệt, phương tiện vận tải và phụ tùng, chất dẻo, sắt thép… Cụ thể, kim ngạch XK sắt thép đạt gần 530 triệu USD, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm trước; chất dẻo gần 297 triệu USD, tăng hơn 34%; máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng trên 1,3 tỷ USD, tăng gần 17%...
Nhiều doanh nghiệp Đồng Nai đã nhận được các đơn hàng dài hạn |
Theo đó, các doanh nghiệp (DN) Đồng Nai được các nhãn hàng trên thế giới đánh giá cao về tính năng động, có khả năng hoàn thành được nhiều đơn hàng khó, số lượng lớn và trong thời gian ngắn. Theo Sở Công Thương Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, đơn đặt hàng đến với DN trên địa bàn tăng cao, nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Ông Ngô Hoàng Hồ - Giám đốc Khối tổng vụ kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam NOK (Khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa) - cho biết, đơn vị sản xuất linh kiện cho các loại động cơ và sản phẩm chủ yếu XK sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ. Tuy tình hình thế giới có nhiều biến động nhưng sản xuất và XK của công ty vẫn khá thuận lợi.
Đạo diện lãnh đạo Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch) cũng chia sẻ, sản phẩm của công ty là các loại van cho máy móc công nghiệp, tàu thủy, máy bay, tàu vũ trụ, hệ thống lọc dầu… Kaneko luôn nghiên cứu đưa ra các dòng sản phẩm mới ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho các DN sử dụng. Do đó, tình hình thế giới có nhiều biến động nhưng công ty vẫn nhận được các đơn hàng lớn của đối tác ở nhiều quốc gia.
Ưu tiên các giải pháp phát triển
Đề cập về những giải pháp để ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh có thêm trợ lực, tiếp tục phát triển mạnh, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đại diện Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, hiện nay, trong nhóm các ngành công nghiệp mũi nhọn, tỉnh Đồng Nai xác định ngành công nghiệp công nghệ cao và ngành công nghiệp hỗ trợ là những ngành công nghiệp cần phát triển lâu dài.
Thời gian gần đây, nhiều DN FDI ở Việt Nam đã chú ý đến tìm nguồn nguyên liệu trong nước để rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển và chủ động được sản xuất. Đây là cơ hội lớn cho các DN sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vì thị trường nội địa và XK đều rộng mở.
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong dài hạn, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển; rà soát quỹ đất sạch tại các khu, cụm công nghiệp và xây dựng chuyên mục phổ biến thông tin về quỹ đất, nhà xưởng cho thuê để DN tham khảo; tiếp nhận và tổng hợp nhu cầu về mặt bằng sản xuất của DN, giới thiệu và kết nối giữa DN có nhu cầu về mặt bằng sản xuất với chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, tạo kênh kết nối trực tiếp cung - cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giữa các DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài.
Đồng Nai cũng phấn đấu từ năm 2021 - 2025, tỷ lệ nội địa hóa của nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ theo danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ đến năm 2025, tăng bình quân từ 2 - 5%.
Hiện có 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai, với hơn 1,7 ngàn dự án thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó lĩnh vực CNHT chiếm hơn 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. |