Tiền Giang: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường
Nhằm góp phần thực hiện chủ trương bình ổn giá cả thị trường và đảm bảo an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành Công Thương tỉnh Tiền Giang đã triển khai dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.
Ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho biết: Tính đến thời điểm này, các đơn vị, các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị tương đối đầy đủ với nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ gần 554 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 136 tỷ đồng.
Đặc biệt, thời gian qua các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình bình ổn thị trường, đều xây dựng và đăng ký giá bán cho từng mặt hàng cụ thể thuộc nhóm hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường gửi đến các ngành với giá thấp hơn của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng trên thị trường tại thời điểm đăng ký.
Người tiêu dùng mua sắm Tết |
Cụ thể, lượng hàng hóa thiết yếu được 8 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gồm: 801 tấn gạo các loại; 677 tấn đường cát các loại; hơn 1,35 triệu lít dầu ăn các loại; hơn 964 tấn bột ngọt, hạt nêm các loại; 46,5 tấn thịt gia súc và 44,5 tấn thịt gia cầm. Ngoài ra, còn có các mặt hàng tiêu dùng khác như: Bánh mứt, lạp xưởng, nước giải khát… Do đó, khả năng thiếu hàng, sốt giá dịp tết sẽ khó xảy ra, mặc dù vậy ngành chức năng vẫn kiểm soát chặt chẽ.
Nhằm đáp ứng yêu cầu bình ổn thị trường, cân đối cung cầu và nhân dân hưởng lợi từ chủ trương, chính sách về an sinh xã hội dịp Tết Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương yêu cầu các đơn vị tham gia bình ổn thị trường Tết phải chú trọng các đối tượng chính sách, hộ gia đình nghèo, nhân dân ở khu vực nông thôn. Đồng thời, khuyến khích các đơn vị bán hàng với giá thấp hơn 5% trở lên so với hàng hóa cùng chủng loại tại thời điểm đăng ký. Đáng chú ý, mỗi doanh nghiệp, đơn vị tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường phải có ít nhất 1 điểm bán lẻ hàng hóa bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, niêm yết giá công khai từng mặt hàng thiết yếu diện bình ổn
Đặc biệt, Sở cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp, siêu thị, hợp tác xã, các địa phương tổ chức các Phiên chợ hàng Việt về khu vực nông thôn, khu dân cư, những vùng còn khó khăn và các khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều công nhân để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo đó, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Phiên chợ hàng Việt tại Trung tâm thương mại Sense Cái Bè (huyện Cái Bè) từ ngày 25-28/1/2024; hỗ trợ Siêu thị: Co.opmart Gò Công tổ chức bán hàng lưu động tại huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây ngày 17/1/2024 và ngày 19/01/2024; Co.opmart Cai Lậy tổ chức bán hàng lưu động tại xã Mỹ Hạnh Đông và tại Công ty TNHH Bodynits Việt Nam - huyện Cai Lậy; Co.opmart Mỹ Tho tại huyện Tân Phước ngày 27-28/1/2024…
“Các doanh nghiệp tham gia dự trữ đã thực hiện dự trữ theo Kế hoạch 497 của UBND tỉnh, trong đó hàng Việt Nam chiếm từ 90-95%. Lượng hàng hóa bình ổn dự trữ theo báo cáo của các đơn vị đạt từ 80% đến vượt 100% so với kế hoạch đề ra. Số còn lại nhập đủ 10 ngày trước Tết. Ngoài ra, các đơn vị, hợp tác xã đã ký hợp đồng ký gửi hàng hóa tại công ty cung ứng và sẽ nhập hàng về khi gần hết hàng” - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang chia sẻ.
Sức mua tăng nhưng chưa cao
Theo ghi nhận, đến thời điểm này các đơn vị, doanh nghiệp, hệ thống siêu thị bán lẻ, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã và đang chuẩn bị dự trữ đầy đủ hàng hóa, sẵn sàng phục vụ thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, không để tình trạng khan hiếm hàng hóa, đồng thời cam kết không tăng, giữ ổn định giá và hàng hóa đều niêm yết giá đầy đủ.
Hiện nay, sức mua tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng nhưng chưa cao |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Huỳnh Phú Toàn - Giám đốc siêu thị GO! Mỹ Tho - cho biết: Siêu thị đã phối hợp với các nhà cung cấp để chuẩn bị hàng hóa theo kế hoạch chung về dự trữ, cung ứng hàng hóa mà siêu thị đã đăng ký với Sở Công Thương Tiền Giang (dự trữ hàng hóa hơn 103 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 67 tỷ đồng).
“Hiện tại, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đã đảm bảo theo kế hoạch, năm nay lượng hàng dự trữ tăng từ 30-35% so với năm 2023, sức mua thời gian qua tăng nhẹ từ 5 đến 10%. Ngoài chương trình bình ổn giá, siêu thị cũng có nhiều chương trình khuyến mại, bốc thăm trúng thưởng dành cho khách hàng mua sắm dịp cuối năm, trong đó, mặt hàng thiết yếu khuyến mại lên đến 10%. Siêu thị Go! Mỹ Tho nghỉ Tết từ 14 giờ ngày 30 Tết và mở cửa lại vào lúc 10 giờ ngày mùng 2 Tết để khách mua sắm” - ông Huỳnh Phú Toàn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Võ - Giám đốc Co.opmart Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) - cho biết: Siêu thị đã dự trữ hàng hóa theo kế hoạch của UBND và đăng ký với Sở Công Thương (dự trữ hơn 60 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu 20 tỷ đồng), tăng 10% so với tết năm trước. “Đặc biệt, từ này đến 30 Tết - siêu thị sẽ giảm giá sâu nhiền mặt hàng hàng lương thực, thực phẩm từ 20-30 để chia sẻ với người dân” - ông Nguyễn Văn Võ chia sẻ.
Tương tự, ông Trần Chánh Vĩnh - Giám đốc Co.opmart Mỹ Tho - thông tin: Siêu thị đã đăng ký và dự trữ nguồn hàng Tết Giáp Thìn từ giữa tháng 12/2023. Dự báo sức mua tăng 10% - 15% so với Tết Quý Mão và tăng hơn 50% so với ngày thường. Do đó, Co.opmart Mỹ Tho tập trung vào nhóm hàng thiết yếu và hàng thời vụ Tết đầy đủ các chủng loại, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã. Hiện siêu thị có nhiều chương trình khuyến mại giảm giá lên đến 50%, mua 1 tặng 1, giảm giá có tặng kèm quà tặng hấp dẫn để chia sẻ với người dân trong dịp Tết 2024.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện nay, thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã bắt đầu sôi động, sức mua bắt đầu tăng. Tuy nhiên, tại địa bàn nông thôn, sức mua tăng không đáng kể do người dân đang tập trung hoàn thành công việc thời vụ trước khi nghỉ Tết.
Các doanh nghiệp, tiểu thương đã chủ động dự trữ, cung ứng các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng với nhiều mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp lý, cùng nhiều chương trình khuyến mại được các siêu thị thực hiện rất hấp dẫn; trong đó, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm thị phần chủ yếu trên 90%.
“Hiện tại, giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường như: Lương thực, thực phẩm, đồ uống... cơ bản ổn định. Dự báo, hàng hóa thiết yếu sẽ tiếp tục ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc thiếu hàng. Riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống, như: Thịt lợn, thịt bò, thịt gà, tôm… và mặt hàng thực phẩm chế biến, như: giò giò, nem… sẽ tăng trong những ngày giáp Tết” - ông Lưu Văn Phi thông tin.
Bên cạnh kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định giá cả hàng hóa, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng sẽ được các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang tăng cường.