Tiến độ triển khai thực hiện 3 vùng nông nghiệp công nghệ cao Đà Nẵng đến đâu?
Theo quy hoạch, TP. Đà Nẵng đã có 3 vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nằm tại huyện Hoà Vang với tổng diện tích gần 70 ha, gồm: Vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn Hoà Khương - Hoà Phong (diện tích 16,2ha); vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hoà Phú (diện tích 20,9ha); vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hoà Khương (diện tích 28,8ha).
Đà Nẵng quy hoạch 3 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 70 ha nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai |
Cả 3 vùng sản xuất này đều đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đối với các vùng nông nghiệp công nghệ cao, UBND TP. Đà Nẵng chủ trương sử dụng ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến tường rào dự án và không thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng. Việc kêu gọi, đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch thông qua hình thức nhận chuyển nhượng thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 73, Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, đến nay, chưa có vùng sản xuất nào được đầu tư sản xuất do việc thực hiện theo quy định tại Điều 73, Luật đất đai 2013 khó thực hiện.
Cụ thể, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hoà Phú đã được phê duyệt đầu tư vào tháng 11/2022, tổng mức đầu tư 1,18 tỷ đồng. Đến nay, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa bàn giao quản lý. Ngoài ra, khái quát kinh phí đền bù gần 138 tỷ đồng/187 hộ.
UBND huyện Hoà Vang đã tổ chức họp dân, triển khai kêu gọi, thu hút đầu tư nhưng do vướng mắc về thủ tục đất đai. Người dân và doanh nghiệp trong vùng dự án không thống nhất về việc thực hiện nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo Điều 73 Luật Đất đai năm 2013.
Đối với vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn Hoà Khương - Hoà Phong đã được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3/2023, tổng mức đầu tư 6,65 tỷ đồng. Dù đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu; song vẫn chưa triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu để khởi công. Khái quát kinh phí bồi thường hỗ trợ gần 53 tỷ đồng.
Vùng sản xuất này đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có 2 nhà đầu tư gồm: CTCP Hợp Linh Giang Vang Sim Bà Nà và Công ty Vì cộng đồng đã gửi hồ sơ đăng ký tham gia. Trong đó, CTCP Hợp Linh Giang Vang Sim Bà Nà đã được Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đề xuất dự án trồng nhân giống cây sim và ứng dụng công nghệ cao và chế biến chế phẩm từ quả sim.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục thu hút đầu tư, việc hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại điều 73 Luật Đất đai 2013 có nhiều vướng mắc, khó thực hiện.
Còn vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hoà Khương đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng chưa phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai dự án.
Đà Nẵng đang phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm |
Hiện, UBND TP. Đà Nẵng đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại tính pháp lý trong việc thu hồi đất, phương án thu hồi đất, và phương án giao đất cho nhà đầu tư để triển khai dự án.
UBND huyện Hòa Vang rà soát lại số hộ dân tại 3 vùng nông nghiệp được quy hoạch nêu trên để xác định nhu cầu sản xuất, sử dụng đất của từng hộ, vận động người dân liên doanh, hợp tác để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ người dân tiếp cận chính sách hỗ trợ của thành phố để đầu tư sản xuất hiệu quả.
Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn bàn giao hạ tầng kỹ thuật đối với công trình vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú. Tạm thời dừng triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Khương và xã Hòa Phong (diện tích 16,2 ha) chờ thành phố có hướng xử lý.