Tiệm sửa xe đặc biệt giữa lòng Đà Nẵng, khách trả phí bằng nụ cười, lời cảm ơn
Đều đặn mỗi ngày suốt gần 30 năm nay, người dân TP. Đà Nẵng mỗi khi qua lại ngã tư giao giữa Hà Huy Tập và Điện Biên Phủ đều quen thuộc với tiệm sửa xe cùng dòng chữ “Học sinh, người tàn tật miễn phí”. Đó là tiệm sửa xe của ông Trần Viết Hùng (56 tuổi, sống tại quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng).
Tiệm sửa xe của ông Trần Viết Hùng nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) |
Ngày trước, ông Hùng thường sửa xe trước cổng trường tiểu học. Có những ngày thấy các em học sinh dắt xe bị hỏng qua lại, ông gọi vào sửa, nhưng nhiều em ngại vì không có tiền nên không dám ghé vào. Mủi lòng, thương các em nhỏ, ông Hùng kiếm tấm gõ cũ, mua sơn đỏ và nhờ người viết giùm dòng chữ “Bơm, vá xe miễn phí cho học sinh - người khuyết tật” treo phía sau xe.
Cũng từ ngày đó, tiệm sửa xe dần trở thành địa điểm quen thuộc của các cô cậu học trò, người lao động khó khăn, người khuyết tật và cả những người đi đường đồng cảm với hành động của ông.
"Nhiều học sinh, người lao động khó khăn, không có tiền được tôi sửa xe giúp thì mừng lắm! Có những trường hợp bánh xe đạp xiêu vẹo nhưng không có tiền thay, tôi thấy không đành lòng, nên đi kiếm cái khác thay miễn phí", ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng gần nửa đời gắn bó với công việc bơm vá xe miễn phí cho học sinh, người khuyết tật |
Thu nhập từ nghề sửa xe của ông Hùng khá bấp bênh, có ngày chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng, những ngày nhiều hơn có thể lên tới 300.000 – 400.000 đồng. Là lao động chính trong nhà, số tiền kiếm được từ việc bơm vá xe chỉ đủ để gia đình sống qua ngày.
Nhiều người hay bảo không có tiền thì đừng làm miễn phí, ông chỉ cười và nói: “Tiền bạc quan trọng, nhưng tôi không nỡ lấy tiền của những hoàn cảnh khó khăn. Tôi không khá giả nên chỉ có thể làm những việc trong khả năng, sức đến đâu giúp đến đó, hy vọng mọi người trở về nhà an toàn”.
Gọi là tiệm sửa xe nhưng thật ra “tiệm” của ông Hùng chỉ là một chiếc xe máy ba bánh tự chế dùng để chở máy bơm và một thùng đồ nghề cũ kỹ, tiện cho việc mang từ nhà ra chỗ làm. Không có tiền thuê mặt bằng, ông xin "ké" vỉa hè tại góc ngã tư để mưu sinh, nhưng chỉ được hành nghề từ khoảng 15 giờ chiều đến 4 giờ sáng hôm sau.
Mỗi tháng có trên trăm lượt người khó khăn đến đây để được bơm, vá xe miễn phí, thù lao là những nụ cười và lời cảm ơn |
Khi được hỏi khó khăn ông có từng nghĩ đến việc từ bỏ công việc thiện nguyện này, ông Hùng lắc đầu rồi nói: “Để hay gỡ tấm bảng miễn phí cho học sinh người khuyết tật thì cũng vậy thôi, người khó khăn cần giúp đỡ thì tôi vẫn giúp miễn phí. Tôi không thể làm trái lương tâm được.”
Ông vẫn quyết làm bởi quan niệm "cho đi là còn mãi" và muốn lan tỏa tình người ấm áp trên mảnh đất miền Trung này. Cứ như thế, ông Hùng sống vui mỗi ngày, khách hàng ngày càng yêu quý, người dân xung quanh cũng hết lời khen ngợi.
Đôi bàn tay chai sần, bám đầy bụi đất của ông Hùng luôn thoăn thoắt, không biết mệt mỏi, giúp đỡ người khó khăn |
Ông Nguyễn Văn Nghĩa (60 tuổi, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) tài xế xe ôm công nghệ chia sẻ: “Tôi quen biết ông Hùng qua vài lần ghé sửa xe tại đây. Tính ông rất tốt, hay giúp đỡ người khó khăn, nhất là học sinh và người khuyết tật. Thực sự hiện nay rất hiếm ai tận tâm và yêu nghề như vậy”.
Ngay cả trong những ngày Tết, khi mọi người quây quần bên gia đình thì ông Hùng lại đồng hành cùng “tiệm” sửa xe di động bám trụ đường phố. Ông thường mở tiệm đến mùng 4 Tết để giúp đỡ những trường hợp xe hư hỏng, vì đa số các quán khác sẽ đóng cửa trong thời gian này.
Chừng chục năm rồi, những đêm Tết Nguyên đán, ông chẳng về nhà vì cuộc sống mưu sinh, còn vì sợ không có ông, những người khó khăn cần giúp đỡ những ngày này lại càng khó khăn. Ông cứ quẩn quanh ở đó, giấu những dòng tâm sự trong lòng, ngồi bên chiếc xe làm bạn với chiếc ipad cũ và khoảng không trống vắng, lạnh giá.
‘Tiệm’ sửa xe di dộng tự chế là người bạn suốt 30 năm qua gắn bó cùng ông trong hành trình mang yêu thương đến với mọi người |
Ông làm vậy, chỉ mong giúp cho những con người xa lạ này có thể an toàn tiếp tục trên hành trình của riêng họ. Còn hành trình trao gửi yêu thương của ông Hùng thì nhận lại được sự tử tế. Sự tử tế đó là những lời cảm ơn, những cái ôm ấm áp lòng người, là giọt nước mắt chân thành của những con người xa lạ, nhưng đây cũng là những tình cảm khiến ông ấm lòng giữa cuộc sống mưu sinh vất vả.