Tích cực đưa hàng Việt về miền núi
Những phiên chợ hàng Việt luôn thu hút đông đảo bà con tham quan, mua sắm |
Nhu cầu dùng hàng Việt là rất lớn
Sở Công Thương Hà Giang cho biết, cuối năm 2015, Sở Công Thương Hà Giang đã phối hợp với các huyện vùng cao phía Bắc tổ chức 4 phiên chợ “đưa hàng Việt về nông thôn miền núi” tại trung tâm các huyện. Các phiên chợ đã thu hút đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn đến tham quan, mua sắm. Hàng hóa được đưa đến phiên chợ là hàng được sản xuất bởi các doanh nghiệp (DN) trong nước, có đầy đủ nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Các mặt hàng tham gia phiên chợ gồm hàng may mặc; đồ dùng học tập; đồ gia dụng; hàng điện, điện tử như quạt điện, ti vi, máy tính, thiết bị viễn thông; thực phẩm như nước mắm, hàng khô, bánh kẹo, sữa...
Theo Trung tâm Khuyến công Xúc tiến Công Thương tỉnh Hà Giang, để các phiên chợ được tổ chức thành công, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị như Phòng Công Thương, Trung tâm Văn hóa, Điện lực, Công an, Đội Quản lý thị trường các huyện tổ chức phiên chợ xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, không để xảy ra trộm cắp, mất an ninh trật tự. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tại mỗi phiên chợ được Đội Quản lý thị trường các huyện tổ chức chặt chẽ, đúng quy định. Mỗi phiên chợ cũng được Trung tâm Văn hóa các huyện lồng ghép các buổi biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ và chiếu phim lưu động để trước mắt là thu hút người dân đến xem, sau đó là tham quan và mua sắm hàng hóa. Các DN khi tham gia phiên chợ cũng được hỗ trợ chi phí tuyên truyền, quảng cáo; cơ sở hạ tầng phục vụ phiên chợ và chi phí thuê, dàn dựng gian hàng tiêu chuẩn…
Cần có điểm bán hàng Việt Nam cố định phục vụ bà con vùng sâu
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Mai Văn Sướng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết, không chỉ riêng người dân vùng đồng bằng, thành thị mà ở vùng cao, vùng sâu cũng có nhu cầu sử dụng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, điều thiệt thòi với người dân vùng cao đó là việc tiếp cận với hàng Việt Nam là rất khó khăn vì đường giao thông khó khăn, chi phí vận chuyển cao khiến DN không mấy mặn mà đưa hàng về khu vực này. Chưa kể, do Hà Giang nằm giáp Trung Quốc nên phần lớn người dân bao năm qua đã dùng hàng của Trung Quốc. Chính vì vậy, việc tổ chức đưa các phiên chợ hàng Việt về khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới là rất cần thiết. Một phần là cung cấp hàng Việt Nam chính hãng đến tay người tiêu dùng, phần là dần thay đổi tư duy của người dân không dùng hàng ngoại nhập giá rẻ. Nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn sẽ được tiếp tục tổ chức trong thời gian tới để người dân có cơ hội tiếp cận hàng Việt.
Ông Mai Văn Sướng cũng khẳng định, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn chỉ là giải pháp tạm thời. Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã và đang xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định để DN có được các điểm bán hàng để đưa hàng hóa vào kinh doanh, bà con có địa chỉ mua sắm hàng chính hãng. Điểm bán hàng Việt Nam cố định sẽ được ưu tiên xây dựng ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa với mục đích đưa hàng Việt đến được với người dân khu vực này nhanh chóng và thuận lợi nhất.
Trung bình, mỗi phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn Hà Giang thu hút trên 2.000 lượt người dân đến tham quan và mua hàng. Mỗi phiên chợ được tổ chức trong 4 ngày, gồm 25 gian hàng của trên 10 DN tham gia. |