Thương hiệu gạo Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?
Khoảng lặng của hạt gạo Việt
Nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước của Philippines hàng năm từ khoảng 14,5 triệu đến 15 triệu tấn. Nhu cầu dự trữ tối thiểu đảm bảo đủ lương thực cho 30 ngày để đảm bảo an ninh lương thực trong nước của Philippines khoảng trên 1,2 triệu tấn. Vì vậy, tổng nhu cầu gạo hàng năm của Philippines khoảng trên 15,5 đến 17 triệu tấn.
Sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên hàng năm Philippines phải nhập khẩu từ khoảng 3 - 4 triệu tấn gạo. Trong đó, nhập khẩu gạo từ Việt Nam chiếm khoảng 85%, từ Thái Lan khoảng 10%, phần còn lại được nhập khẩu từ Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Dù trong Top các nước đứng đầu về sản lượng xuất khẩu gạo nhưng thương hiệu gạo Việt vẫn rất mờ nhạt tại hầu hết các thị trường trên thế giới |
Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, chuyện buồn của ngành lúa gạo Việt Nam tại thị trường này chính là thiếu bóng dáng thương hiệu gạo Việt.
Ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines - thông tin, dù Việt Nam xuất khẩu gạo sang Philippines rất nhiều, người dân Philippines sử dụng gạo Việt Nam rất nhiều nhưng dường như các nhà nhập khẩu Philippines “không tin tưởng lắm hay sao” nên những bao gạo Việt Nam không bao giờ họ làm nhãn mác to như của Nhật Bản hay Thái Lan.
Cũng theo ông Phùng Văn Thành, trước đây, người tiêu dùng Philippines nói đến gạo là nghĩ đến gạo Thái Lan và Nhật Bản, mặc dù họ tiêu dùng gạo Việt Nam nhưng chưa đánh giá cao. Điều này đặt ra bài toán làm thương hiệu để khi hạt gạo Việt vào các kênh siêu thị của Philippines, hay tại các cửa hàng bán gạo xỉ, bán lẻ tại Philippines để họ tự hào cắm biển “Product of Vietnam” hay “Gạo Việt Nam”. Việc này sẽ tốt hơn cho ngành sản xuất, kinh doanh lúa gạo Việt Nam.
“Năm 2022, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có tổ chức đoàn doanh nghiệp xúc tiến thương mại và khảo sát tại hệ thống siêu thị. Tất cả gạo Thái Lan và Nhật Bản khi đóng gói đều có chữ như “Thai Rice”, “Japan Rice” rất to và đẹp trên bao bì; còn gạo Việt Nam tìm mãi không thấy xuất xứ Việt Nam. Sau khi chúng tôi tìm mãi thì mới nhìn thấy chữ “Product of Vietnam” rất nhỏ in ở dưới đáy bao bì”, ông Thành dẫn chứng.
Vì vậy, ông Thành khuyến nghị, ngoài đẩy mạnh về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo, nâng cao chất lượng, nâng cao uy tín của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng như nhà quản lý cố gắng xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Hà Lan là cửa ngõ giao thương hàng hóa vào thị trường châu Âu, trong đó có hoạt động thương mại gạo. Hà Lan nhập khẩu gạo từ 241 quốc và vùng lãnh thổ trên thế giới. Giá trị gạo nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2,6% tổng giá trị gạo nhập khẩu vào Hà Lan
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, người Hà Lan chủ yếu ăn khoai tây và bánh mỳ nên gạo không phải là thực phẩm chính. Bên cạnh đó văn hoá ẩm thực của Hà Lan bị ảnh hưởng sâu sắc từ Indonesia, Surinam và Ấn độ nên gạo họ sử dụng trong nấu ăn là gạo Basmati, không phải gạo dẻo thơm.
Gạo Việt Nam được nhập khẩu và phân phối chủ yếu tại các siêu thị Á châu do người gốc Việt làm chủ, một số ít vào các siêu thị của Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, chưa tiếp cận được các siêu thị lớn của Hà Lan.
Giá gạo Việt Nam bán lẻ tại các siêu thị Á châu cao hơn gạo nhập từ Thái Lan, Campuchia, dao động từ 3,85 - 4 EUR/kg trong khi giá gạo thơm của Thái Lan từ 3,65-3,85 EUR/kg; gạo Campuchia có giá rẻ hơn, dao động từ 3,5 - 3,65 EUR/kg.
"Gạo Thái Lan, Ấn Độ đã tiếp cận thị trường từ rất sớm, được chứng minh về chất lượng ổn định trong một thời gian dài nên đã có chỗ đứng khá vững tại thị trường. Gạo Việt Nam, được chính người tiêu dùng Việt tại Hà Lan phản ánh là có chất lượng không ổn định, giá lại cao hơn gạo Thái, Campuchia nên rất nhiều trường hợp sau khi dùng một hai lần, họ quay lại dùng gạo Thái Lan với chất lượng ổn định, giá tốt hơn", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan chia sẻ.
Việt Nam nằm trong Top 3 các nhà cung cấp gạo hàng đầu cho thị trường Indonesia, tuy nhiên, theo ông Phạm Thế Cường - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Indonesia - thông tin, gạo Việt Nam sẽ phải đối diện với những thách thức không hề nhỏ tại thị trường này. Trong đó, nhận diện thương hiệu gạo của Việt Nam tại thị trường này chưa thực sự rõ nét. Tại nhiều siêu thị của Indonesia, gạo Thái Lan đã có thương hiệu và dễ nhận biết đối với người tiêu dùng.
Và bài học từ thị trường Australia
Trước năm 2020, tại thị trường Australia chỉ có gạo Thái Lan nhãn hiệu Hoa Hồng với bao bì trọng lượng nhỏ phủ sóng tất cả.
Bà Nguyễn Thu Hường - Tùy viên Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Australia - cho biết, người tiêu dùng nước này chỉ biết đến gạo Thái. Thậm chí, năm 2019, khi đi khảo sát, Thương vụ cảm thấy chạnh lòng, khi các chương trình thiện nguyện của người Việt phải bỏ tiền của người Việt mua gạo Thái tặng người Việt, trong khi Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo.
Sau đó, thương vụ tận dụng thời cơ gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới đã đồng loạt triển khai quảng bá, dù lúc đó gạo ST25 chưa xuất sang Australia. Nhưng chính sự quảng bá này đã thúc đẩy nhiều nhà nhập khẩu tại Australia quan tâm nhập khẩu gạo ST25. Thương vụ đã triển khai loạt các sự kiện lớn về dùng thử gạo ST25 và các loại gạo khác của Việt Nam, đồng loại tại các bang xa trên toàn nước Australia.
Thương vụ cũng tự kết nối để đưa gạo Việt vào các vùng sâu, xa của Australia như tận vùng Lãnh thổ Bắc Australia, cách Sydney đến 6 giờ bay. Có thể nói hiện nay, gạo Việt Nam với đủ loại nhãn hiệu đã được phổ biến tại Australia.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, khi xảy ra câu chuyện nhãn hiệu ST25 bị đánh cắp, dù có nhiều ý kiến đây là tên giống lúa, đồng thời là tài sản doanh nghiệp, doanh nghiệp phải bỏ chi phí để bảo vệ.
Tuy nhiên, Thương vụ đã chủ động vào cuộc làm việc mạnh mẽ với các cơ quan Australia, cũng như chủ động với công ty đã đăng ký ST25 và thông tin rộng tại Australia. Thương vụ nhìn ra, việc này vừa đảm bảo việc bảo vệ thành công ST25, đồng thời là cơ hội làm cho ST25 nổi tiếng.
“Qua thành công của ST25, Thương vụ quảng bá slogan: “Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới” để các giống gạo, nếp khác của Việt Nam đều được hưởng chung vị thế”, bà Nguyễn Thu Hường chia sẻ.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân - chuyên gia lĩnh vực lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong các loại nông sản, gạo xây dựng được thương hiệu mạnh nhất. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu được vào một số thị trường khó tính trên thế giới nhưng để trở thành thương hiệu mạnh và nói đến gạo là nghĩ ngay đến Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, muốn giá trị cao, chỉ sự cần cù, chịu thương chịu khó thôi chưa đủ, phải nâng quy trình canh tác lên bước gọi là nghệ thuật, là câu chuyện, là khoa học… để bán sản phẩm không chỉ giá trị dinh dưỡng mà phải bán câu chuyện, bán thương hiệu.
Từ chỗ không có chỗ đứng ở thị trường Australia, gạo Việt đang ngày càng trở nên phổ biến ở thị trường này, giành được thị phần từ gạo Thái. Và câu chuyện này cũng cho thấy, nếu được đầu tư xây dựng thương hiệu bài bản, gạo Việt Nam hoàn toàn có thể giành được vị thế ở các thị trường trên thế giới.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính sơ bộ đến hết tháng 1/2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512 nghìn tấn, trị giá 362 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng 94,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. |