Thứ sáu 22/11/2024 14:49

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa để “kích” tăng trưởng GDP

Việt Nam cần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, nhất là tiêu dùng thị trường nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu qua thương mại điện tử.

Tình hình kinh tế tháng 7/2023 đã có khởi sắc tuy nhiên còn nhiều khó khăn. Mục tiêu GDP tăng 6% năm 2023 liệu có khả thi? Điều hành kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2023 cần làm gì để tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất cao thể? Phóng viên Báo Công Thương có buổi trao đổi với PGS.TS Bùi Quang Bình – Nguyên Chủ nhiệm khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng về những vấn đề này.

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, với mức tăng trưởng 3,72% 6 tháng đầu năm, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6% là không khả thi

Thưa PGS.TS Bùi Quang Bình, ông đánh giá thế nào về kết quả tăng trưởng kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Với những kết quả này, mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng 6% năm 2023 liệu có khả thi?

Kinh tế tháng 7 năm 2023 vừa được Tổng Cục thống kê công bố đã có những khởi sắc nhất định trong công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Kết quả này nhờ sự điều hành của Chính phủ, các Bộ ngành. Trong đó, có thể nhắc đến các chính sách tài khóa như giảm thuế trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước, giảm thuế giá trị tăng thêm, giảm lãi. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng thấp, điều này cũng phản ánh thực tế doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia hàng chục FTA, là quốc gia có độ mở kinh tế rất lớn. Vì vậy, khi kinh tế thế giới có biến động chắc chắn kinh tế trong nước sẽ ngay lập tức chịu ảnh hưởng biến động theo.

Về kịch bản tăng trưởng kinh tế, 6 tháng đầu năm 2023, GDP nước ta tăng 3,72%. Con số này cách xa mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 là 6%.

Giả định, nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, tăng trưởng thương mại dịch vụ tăng gần 10% (mức tăng cao nhất, ngang năm 2022), tăng trưởng công nghiệp đạt 7,5%, và nông nghiệp giữ vững tăng trưởng như hiện tại (tăng trưởng ổn định) thì mới kéo GDP năm 2023 lên được gần 5%.

Như vậy, theo tính toán, sẽ không có kịch bản nào có thể để Việt Nam đạt tăng trưởng 6% trong năm 2023. Điều kiện lý tưởng theo một số tổ chức, nhà phân tích có thể đạt 5,3% nhưng nếu tính theo thực tế, ở điều kiện tốt cả công nghiệp và thương mại – dịch vụ đều phục hồi tốt 6 tháng cuối năm thì GDP 2023 cũng chỉ tăng trưởng trên dưới 5%.

Với quy mô dân số 100 triệu dân, nếu kích cầu tiêu dùng nội địa hiệu quả GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn

Vậy trong những tháng cuối năm 2023, Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương cần làm gì để tăng trưởng kinh tế đạt kết quả khả quan nhất?

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình cần thúc đẩy tiêu dùng nội địa hiệu quả, nhất là tiêu dùng thị trường nông thôn để "kích" tăng trưởng kinh tế chung của cả nước

Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay cơ bản dựa trên 3 trụ cột gồm công nghiệp – xuất nhập khẩu, tiêu dùng trong nước và đầu tư công.

Để tăng trưởng kinh tế đạt kết quả khả quan nhất thì phải “kích” được 3 trụ cột này tăng trưởng tốt nhất.

Chính phủ trong thời gian gần đây đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ví dụ như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước.

Đây là những chính sách rất thiết thực nhằm mục đích kích cầu thị trường nội địa, tăng tiêu dùng, tăng luân chuyển hàng hóa. Việc cần làm bây giờ là làm sao để các chính sách này có tác động lan tỏa, vào thực tiễn hiệu quả nhất.

Lấy dụ như chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô trong nước nhằm làm gì? Là để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, để giải quyết cho các tỉnh sản xuất công nghiệp ô tô giữ vai trò chủ đạo như Quảng Nam, Vĩnh Phúc. Ví dụ như Quảng Nam 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm 9,16%. Nếu trong 6 tháng cuối năm tăng trưởng được 9,16% thì mới đưa được tăng GRDP về 0 là tốt rồi.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã liên tục có các động thái hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất. Những điều này sẽ một phần nào giúp doanh nghiệp sản xuất đỡ được chi phí đầu vào. Dù vậy lãi suất hiện tại vẫn còn cao và cần tiếp tục được điều chỉnh giảm.

Giảm lãi hiệu quả cùng với kích cầu được tiêu dùng trong nước sẽ giải phóng hàng hóa cho doanh nghiệp sản xuất.

Về câu chuyện đầu tư công của Chính phủ. Hiện Chính phủ đã có nhiều động thái để thúc đẩy đầu tư công. Còn lại là các Bộ, ngành, địa phương triển khai thế nào. Nếu đẩy mạnh được đầu tư công sẽ tác động được cả tổng cung và tổng cầu. Về tổng cung, các doanh nghiệp và nhà thầu sẽ tăng cường mua sắm máy móc để thực hiện các dự án, các dự án sau khi hoàn thành nền kinh tế có thêm cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất; về tổng cầu các nhà sản xuất máy móc, hàng hóa và nguyên vật liệu phục vụ cho các công trình dự án đầu tư công sẽ tiêu thụ được sản phẩm, lao động trong các doanh nghiệp nhận được thu nhập tăng chi tiêu…

Cần phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, nhất là chợ dân sinh

Vậy ông có khuyến nghị gì đến Bộ Công Thương để thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu trong những tháng cuối năm?

Bộ Công Thương là Bộ chủ quản quản lý công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu – đều là những lĩnh vực quan trọng trong các trụ cột kinh tế của cả nước.

Xuất nhập khẩu chững lại do biến động của thế giới và tiêu dùng trong nước giảm làm tăng tồn kho của doanh nghiệp sản xuất, dẫn đến sản xuất khó khăn.

Vậy bài toán đặt ra cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp đó là phải giải phóng tồn kho thông qua thị trường nội địa và xuất khẩu.

Về phía xuất khẩu, hiện tổng cầu thế giới có chiều hướng giảm nên đơn hàng giảm. Dù vậy, Bộ Công Thương vẫn phải tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, tìm kiếm thị trường, xúc tiến xuất khẩu. Ngoài giữ thị trường truyền thống cần tìm thêm các thị trường ít bị biến động theo kinh tế thế giới (sức mua tốt, tăng trưởng tốt) như ASEAN, Trung Quốc.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, cần chú trọng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia. Bộ cần chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cần thể hiện vai trò quan trọng của mình trong kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thị trường trong nước. Bởi, thị trường trong nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Tổng cầu tiêu dùng trong nước chiếm hơn 70% cơ cấu GDP. Trong đó, tiêu dùng của dân cư chiếm khoảng 90% tổng cầu tiêu dùng.

Khi kinh tế khó khăn thì sức mua của thị trường sẽ giảm. Cần có các biện pháp kích cầu tiêu dùng. Ngoài giảm thuế, thúc đẩy du lịch…thì phải có các sự kiện thương mại. Đặc biệt bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất là nông dân, người dân ở khu vực nông thôn, người có thu nhập thấp. Còn những người có thu nhập trung bình, thu nhập cao thì không bị ảnh hưởng nhiều.

Có một thực tế là giá hàng hóa ở thị trường nông thôn thường cao hơn ở thành phố, có nơi chênh lệch tới 30%. Đây là nghịch lý, nông thôn thu nhập thấp, giá lại cao.

Cần có nhiều hơn các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt tỏa đi với giá thấp nhất

Vì vậy, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa cho hiệu quả. Kích cầu phải có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng khai thác thị trường nông dân, nông thôn. 100 triệu dân mà tiêu dùng thì sẽ là động lực lớn hơn nhiều, trong đó, hơn 60% người tiêu dùng ở nông thôn. Tiếp tục thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Về lâu dài, cần phát triển hạ tầng thương mại ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; kết hợp chuyển đổi số trong thương mại nông thôn để hướng đến đưa hàng Việt tỏa đi với giá thấp nhất.

Ngoài kích cầu phải giữ giá, bình ổn giá, để CPI thấp. Một ưu điểm của Việt Nam là những mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm thì Việt Nam đều sản xuất và cung cấp được. Theo tôi, đẩy tăng trưởng thương mại – dịch vụ sẽ khả thi hơn là đẩy công nghiệp khôi phục.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường trong nước

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Nhà giáo trong kỷ nguyên số cần biến thách thức thành cơ hội để ngành giáo dục vươn mình

Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm truyền thống 50 năm

Gia Lai: Hỗ trợ cô giáo nghèo vượt qua gia cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống

Tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế: Trợ lực 'tiếp sức' cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế

Bí quyết ‘cơ động’ của thầy Cường ‘động cơ’

Bộ Công Thương ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 9 (bão Man-yi)

Từ thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư suy ngẫm về việc xử lý thành công các dự án tồn đọng

Tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh thực sự hay áp lực hình thức?

Khu thương mại tự do Đà Nẵng: Đâu là lời giải cho "bài toán" thu hút đầu tư?

TP. Hồ Chí Minh: Tiệm mì 0 đồng lan tỏa yêu thương của những chàng trai Hóc Môn

Trách nhiệm thi hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Giải ngân vốn đầu tư công bứt tốc cuối năm để về đích

Bộ Công Thương ban hành Thông tư về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu đầu mối quản lý về công nghiệp thực phẩm

Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học

Cấm phân lô, bán nền có kiểm soát được thị trường bất động sản?

Bộ Công Thương làm việc với Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu về phát triển nhiên liệu sinh học

Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Hải Dương

Đề xuất người bị sa thải không được trợ cấp thất nghiệp: Công nhân lớn tuổi thêm nỗi lo