Tiếp cận dữ liệu giúp doanh nghiệp nắm bắt công nghệ mới |
Làm giàu kho dữ liệu
Thời gian qua, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI) – Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các viện, trường lớn tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài cập nhật cơ sở dữ liệu công nghệ trong và ngoài nước.
Hệ thống cơ sở dữ liệu của SATI hiện nay bao gồm khoảng 2.000 công nghệ trong và ngoài nước, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin – truyền thông, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, hóa chất…
Cơ sở dữ liệu được cung cấp dưới hai dạng: Trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Cục từ tháng 3/2017 với trên 20.000 lượt truy cập, tìm kiếm thông tin công nghệ và thông qua phần mềm quản lý dữ liệu cung – cầu công nghệ. Phần mềm đã được cài đặt cho các đơn vị cùng khai thác, sử dụng như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, Sở KH&CN Đà Nẵng và tại các Điểm kết nối cung - cầu trên cả nước.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu, công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp 4.0 là một trong những trọng tâm xây dựng. SATI đã phối hợp với các tổ chức nước ngoài như Tổ chức trung gian sở hữu trí tuệ Singapore, Hiệp hội chuyển giao công nghệ Isarel… khai thác các công nghệ mới như blockchain ứng dụng trong nông nghiệp; công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; công nghệ thiết kế hệ thống điện thông minh dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo…
Cung cấp giải pháp hỗ trợ
Không chỉ tích cực làm giàu kho dữ liệu, hoạt động tư vấn kỹ thuật cũng đóng vai trò cần thiết để các nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế, hoạt động này được SATI triển khai thực hiện theo ba bước, gồm: Tổng hợp nhu cầu của doanh nghiệp (DN); tổ chức các ekip chuyên gia khảo sát tại DN nhằm phân tích nhu cầu cải tiến, nâng cấp và đổi mới công nghệ; triển khai tư vấn, cung cấp giải pháp hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ.
Tiêu biểu, Hợp tác xã chè Tuyết Hương (Thái Nguyên) thông qua hoạt động hỗ trợ của SATI đã làm chủ công nghệ và thiết bị sấy. Nhờ đó, người trồng chè tiếp cận được công nghệ tiên tiến với chi phí phải chăng (chỉ bằng 60 – 70% thiết bị nhập khẩu), phù hợp với đặc điểm lao động và yêu cầu của thị trường trong nước. Sau khi đổi mới công nghệ thành công, hợp tác xã trở thành đơn vị tiêu biểu của Thái Nguyên và sản phẩm chè Tuyết Hương đã được nhận giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia do Bộ Công Thương trao tặng vào tháng 9/2017.
Bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - cho biết, năm 2018, Cục tiếp tục kết nối nhu cầu tư vấn của DN với chuyên gia, tổ chức nghiên cứu có công nghệ phù hợp để tiến hành thử nghiệm, thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại cơ sở ứng dụng.
Tại sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ Cần Thơ năm 2018 diễn ra từ ngày 3 - 5/10, Ban tổ chức dự kiến hỗ trợ trên 50 lượt tư vấn, cải tiến công nghệ trực tiếp cho DN với sự tham gia của 30 chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước. |