Thứ ba 24/12/2024 00:17

Thừa Thiên Huế: Phát triển khu công nghiệp theo hướng xanh, đa ngành

Tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng, trong đó chú trọng phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng xanh, đa ngành.

Thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu

Hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huếtập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, xây dựng tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) theo hướng bền vững, xanh, đa ngành và đa lĩnh vực.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tham quan tại nhà máy Scavi Huế trong dịpTập đoàn Scavi đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy Scavi Huế 2 tại KCN Phong Điền (Ảnh: HM)

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến cuối năm 2023, tại các KKT, KCN có 172 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 112.790 tỷ đồng. Trong đó, có 44 dự án vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký là 71.701 tỷ đồng. Lũy kế đến năm 2023, vốn đầu tư của các dự án ước đạt khoảng 39.326 tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện ước đạt 3.400 tỷ đồng. Doanh thu tại khu vực này ước đạt 35.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 900 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 590 triệu USD. Nộp ngân sách ước đạt 3.500 tỷ đồng và có khoảng 38.500 lao động đang làm việc tại các KKT, KCN.

Hiện nay, các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng chung của Thừa Thiên Huế mà còn thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội, qua đó, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng quy quy hoạch chỉ rõ, phát triển KKT, KCN nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đảm bảo hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường. Ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu.

Đối với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ phát triển theo hướng bền vững, là trung tâm giao quốc tế, trung tâm du lịch, nghĩ dưỡng cao cấp, trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực Bắc Trung bộ, Lào, đông bắc Thái Lan và là cửa ngõ vận tải hàng hoá qua biển phía đông, gắn kết với các tỉnh, thành trong vùng động lực miền Trung. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng, xúc tiến đầu tư các dự án về hạ tầng cảng, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu công nghiệp công nghệ cao…

Ngoài ra, xu hướng phát triển KCN xanh cũng được định hình, đồng thời, quy hoạch và phát triển các KCN phù hợp với điều kiện và phát huy lợi thế từng khu vực như: quy hoạch mới KCN - đô thị - dịch vụ tại La Sơn (huyện Phú Lộc) quy mô khoảng 1.500 ha; KCN - đô thị - dịch vụ Phong Điền (huyện Phong Điền và huyện Quảng Điền) quy mô 1.850 ha; mở rộng các KCN trong các khu kinh tế theo định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Phát triển khu công nghiệp xanh, đa ngành, hàm lượng công nghệ cao, tiến tiến.. đang được tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên và khuyến khích đầu tư (Ảnh: HM)

Tập trung phát triển mạnh công nghiệp theo hướng hiện đại

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã định hướng thay đổi mô hình chiến lược phát triển các KKT, KCN, thông qua một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh; việc thu hút đầu tư vào khu vực này cũng được chọn lọc, các dự án đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường. Đặc biệt, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều nghị quyết về nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Phong Điền; điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn I, II, III, thị xã Hương Thủy để phù hợp với thực tế theo hướng bền vững, xanh và đa ngành.

Mới đây, tại Khu công nghiệp Phong Điền (huyện Phong Điền), Trung tâm quản lý miền Trung Tập đoàn Scavi đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy Scavi Huế 2. Nhà máy có tổng diện tích xây dựng 14.500 m2, vốn đầu tư trên 250 tỷ đồng. Công trình hoàn thành có thiết kế thân thiện môi trường, với việc áp dụng tối đa các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng cũng như vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn Nhà máy Xanh…

Theo Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh, thời gian tới Thừa Thiên Huế tập trung phát triển mạnh công nghiệp về chiều rộng và chiều sâu theo hướng hiện đại, phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh, sử dụng công nghệ sạch, đảm bảo môi trường. Tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa và trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng của tỉnh trên các góc độ: đóng góp vào GRDP, tạo nguồn thu ngân sách và tạo công ăn việc làm. Ưu tiên phát triển một số ngành như công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh như LNG, năng lượng tái tạo; sản xuất lắp ráp ô tô; các ngành chế biến sâu; công nghệ thông tin và phần mềm, hóa dược, thiết bị và sản phẩm y tế,…. Đồng thời, cơ cấu lại các ngành công nghiệp chủ lực theo hướng chuyển dịch từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư trên cơ sở chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; đẩy nhanh công tác hoàn thiện hạ tầng. Tiếp tục hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho các nhà đầu tư đang triển khai dự án, các nhà đầu tư đang sản xuất kinh doanh nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời, tăng cường quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư vào KKT, KCN tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cũng thẳng thắn nhìn nhận, Thừa Thiên Huế cần giải quyết các vấn đề còn tồn tại, được xem như trở lực cho sự phát triển đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN chưa đồng bộ, thiếu hệ thống xử lý nước thải KCN đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ hơn nữa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bởi hiện nay, tỷ lệ lấp đầy tại các KKT, KCN chưa cao. KCN Phú Bài đạt 29,6%, trong đó KCN Phú Bài I và II có tỷ lệ lấp đầy là 99%; KCN Phong Điền đạt 32,2%; KCN La Sơn đạt 29,3%; KCN Phú Đa đạt 22,1%; KCN Tứ Hạ (giai đoạn 1) đạt 37,8%.

Đến nay, Thừa Thiên Huế có 2 KKT là Chân Mây - Lăng Cô và cửa khẩu A Đớt; 6 KCN gồm: KCN Phú Bài, KCN Phong Điền; KCN La Sơn, KCN Tứ Hạ, KCN Phú Đa và KCN Quảng Vinh.

Nguyễn Tuấn
Bài viết cùng chủ đề: Thừa Thiên Huế

Tin cùng chuyên mục

Chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trấn Yên

Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin về lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và hội nghị tổng kết 2024

Doanh nghiệp dệt may tăng tốc về đích

Doanh nghiệp dệt may chủ động chuyển đổi xanh

Doanh nghiệp da giày chịu nhiều sức ép trong 'xanh hóa' sản xuất

Hàn Quốc đầu tư 6 tỷ USD vào ngành dệt may Việt Nam

Hội thảo ngành dệt may Việt Nam năm 2045: Nơi tăng trưởng xanh gặp năng suất

Doanh nghiệp dệt may bắt nhịp chuyển đổi số

Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho Chiến lược phát triển ngành sữa

Tình hình quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay ra sao?

Dồi dào đơn hàng, doanh nghiệp dệt may lại lo thiếu lao động

Cách nào phát triển thời trang Việt?

Sản xuất công nghiệp của Nam Định “chạy nước rút”

Bộ Công Thương dự kiến cắt giảm, đơn giản hoá nhiều thủ tục hành chính lĩnh vực công nghiệp nhẹ

Chính phủ giao Bộ Công Thương tăng cường đối thoại để triển khai Cơ chế CBAM

Giải pháp căn cơ cho ngành Công Thương 'chắc chân' trước biến động thị trường

Ngày 27/9, sẽ diễn ra Ngày hội Cotton Day Việt Nam 2024

Xung đột tại Bangladesh có làm chuyển hướng chuỗi cung ứng dệt may?

Phát triển thị trường ngách cho ngành dệt may: Cuộc chơi của các “ông lớn”

Ngành dệt may: Nâng cao năng suất, hóa giải sức ép chi phí nhân công