Thừa Thiên Huế xây dựng thành hành phố Festival đặc trưng của Việt Nam |
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Phát huy được vai trò, vị thế của trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc, trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học - công nghệ của miền Trung và cả nước.
Thừa Thiên Huế đã có nhiều có nỗ lực lớn trong thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, ban hành các chương trình, đề án để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đẩy mạnh quy hoạch, định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” như phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị toàn tỉnh đạt 100%.
Công tác quy hoạch xây dựng đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tỷ lệ cao |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2009-2018 là 7,16%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá từ 17.500 tỷ đồng lên 32.749 tỷ đồng, tăng 1,86 lần (theo giá so sánh 2010). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 1.794 USD tăng 2,24 lần so với năm 2009, dự kiến năm 2020 là 2000 USD/người. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng từ 45,9% năm 2009 lên 54,6% năm 2018; tương ứng với lĩnh vực công nghiệp giảm từ 37,6% xuống 34,1%; nông nghiệp giảm 16,5% xuống 11,3%.
Thừa Thiên Huế từng bước khẳng định là trung tâm văn hoá, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đẩy mạnh. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng, Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh... được giữ gìn, tôn tạo. Khẳng định được vị thế của một trung tâm du lịch lớn của quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như mục tiêu cơ bản đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện được.
Cầu đi bộ trên sông Hương về đêm |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá cao nỗ lực thực hiện để đạt được những kết quả quan trọng của Tỉnh Thừa Thiên Huế trong 10 năm qua. Bên cạnh đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề cập tới sự cần thiết của một Nghị quyết của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. “Nếu được ban hành, Nghị quyết phải có những điểm mới, khác biệt so với các Kết luận đã được ban hành. Các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp được đưa ra phải đặt trong bối cảnh quốc tế và trong nước, cơ hội và thách thức; phải mang tính khát vọng và đột phá, vừa đảm bảo có tính kế thừa, vừa đảm bảo tính phát triển nhưng khả thi, thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như xu hướng phát triển chung ở trong nước và quốc tế, góp phần đưa sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đáp ứng được khát vọng về một thành phố Di sản, văn hóa, xanh, thông minh và hiện đại, ngang tầm với các thành phố hàng đầu trong khu vực và trên thế giới”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.