Thư ngỏ xin đổi hoa ngày 20/11 bằng thẻ bảo hiểm y tế: Món quà nhỏ, ý nghĩa lớn
Trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), thầy Đinh Phú Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, TP. Hồ Chí Minh viết: Hằng năm, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà trường nhận rất nhiều lẵng hoa và bánh kem chúc mừng. Tuy nhiên, số hoa và bánh này chỉ dùng một ngày thì lại bỏ, rất phí phạm.
“Năm nay, do tình hình kinh tế có nhiều khó khăn sau đại dịch, qua thư ngỏ này, nhà trường kính mong quý doanh nghiệp, quý cha mẹ học sinh thay vì tặng hoa, bánh kem thì xin đổi qua hình thức tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh để nhà trường phát cho những học sinh khó khăn của trường" - thầy Đinh Phú Cường cho hay.
Chính sách BHYT đã và đang mang lại lợi ích to lớn trong chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên. Ảnh minh hoạ: Trường THCS Nguyễn Văn Luông |
Trong bức thư, thầy Đinh Phú Cường phản ánh, hiện nhà trường ghi nhận 89 học sinh khó khăn không thể mua được thẻ BHYT. Giá trị mỗi thẻ BHYT là 680.400 đồng, sử dụng cho 12 tháng của năm 2024. Nhà trường bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ và chia sẻ từ nhà hảo tâm cùng phụ huynh nhằm giúp đỡ cho những học sinh khó khăn.
Theo thầy Đinh Phú Cường, trước đây tình hình không đến nỗi khó khăn. Tuy nhiên, năm nay, khi thực hiện thu BHYT học sinh theo quy định, có nhiều học sinh hoàn cảnh rất khó khăn (có em ba, mẹ thất nghiệp; có em bị mồ côi...). "Trong khi mỗi năm, nhà trường nhận được nhiều hoa, bánh kem chúc mừng. Hoa, bánh thì đẹp và ngon thật nhưng dùng một ngày là phải bỏ. Chính vì vậy, hội đồng trường đã họp và thống nhất xin được quy đổi những món quà này thành thẻ BHYT cho học sinh".
Sau hai ngày phát động, dù thông báo còn 89 học sinh chưa có thẻ BHYT nhưng nhà trường đã nhận được sự ủng hộ lên đến 200 thẻ. Vì thế, Trường THCS Nguyễn Văn Luông thông báo ngừng vận động. Với số thẻ còn dư, nhà trường sẽ xin ý kiến để dành lại và chăm lo cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Học sinh, sinh viên là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng khi tham gia BHYT, bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố cũng có thêm mức hỗ trợ riêng từ ngân sách địa phương nhằm tạo điều kiện tăng diện bao phủ BHYT trong nhóm này lên mức tối đa, giúp các em yên tâm học tập.
Năm học 2022-2023, cả nước có khoảng 18,8 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT (đạt hơn 97% tổng số học sinh, sinh viên). Nhờ có thẻ BHYT, nhiều học sinh, sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên tới hàng tỷ đồng. Chỉ tính năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, quỹ BHYT đã chi trả 5.316 tỷ đồng cho 6,2 triệu học sinh, sinh viên đi khám chữa bệnh BHYT, trong đó có 634 trường hợp được chi trả từ 200 triệu đồng/người trở lên. Đáng chú ý, trường hợp được chi trả cao nhất là 1,07 tỷ đồng.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, chính sách BHYT đã và đang mang lại lợi ích to lớn trong chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận nhỏ học sinh, sinh viên chưa được tham gia chính sách này do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do những biến động bất ngờ khiến các gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, như phụ huynh thất nghiệp không còn điều kiện tham gia cho con em mình. Các trường hợp này cần có “độ trễ” để cơ quan chức năng cập nhật thông tin, có các chính sách hỗ trợ.
Vì thế, từ thực tiễn cơ sở, nắm bắt thông tin sớm nhất thì ý tưởng và việc làm của thầy hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông thật nhiều ý nghĩa, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời, có thêm “chỗ dựa” để học tập tốt, giúp nhiều phụ huynh vơi bớt nỗi lo. Những tấm thẻ BHYT này cũng là một món quá tri ân đầy ý nghĩa mà các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, phụ huynh gửi đến các thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
Hơn thế, qua bức thư ngỏ thấm đẫm nghĩa cử, tình cảm đẹp đẽ của thầy hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, dư luận còn mong mỏi rằng những hành động có tính chất dám nghĩ dám làm, tất cả vì học sinh của các thầy cô giáo sẽ được nhân lên trong ngành giáo dục nước nhà.