Thu hút đầu tư trong Khu Kinh tế Vân Phong có gì đáng chú ý?
Nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng 3 điều kiện
Chiều ngày 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết vì Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu |
Nội dung dự thảo Nghị quyết gồm 10 chính sách từ Điều 3 đến Điều 8. Trong đó, để tạo đột phá và phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Khu Kinh tế Vân Phong, dự thảo quy định các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định Danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với định hướng ngành nghề quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, trong đó xác định quy mô vốn tối thiểu tương ứng với từng ngành nghề, lĩnh vực để đảm bảo các dự án có quy mô đủ lớn tương xứng với tiềm lực của nhà đầu tư chiến lược.
Trên cơ sở danh mục này, nhà đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền đề xuất dự án đầu tư cụ thể để thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để trở thành nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư phải đáp ứng 03 điều kiện: Thứ nhất, có năng lực tài chính và kinh nghiệm tương ứng với ngành nghề cụ thể tại khoản 3 Điều 7; thứ hai, cam kết bằng văn bản về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 6 Điều 7. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng bổ sung trình tự, thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tại khoản 7 Điều 7 theo 03 trường hợp khác nhau theo hướng công khai, minh bạch, rõ ràng để lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược đảm bảo thực sự có năng lực và kinh nghiệm.
Để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Nghị quyết quy định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu đãi theo hướng ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế, được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, được tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng quy định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện các cam kết, nhất là cam kết thực hiện đúng các nội dung và tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cam kết không chuyển nhượng Dự án trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng.
Nhà đầu tư chiến lược còn có nghĩa vụ hỗ trợ ứng trước kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề đối với lao động tại khu vực bị ảnh hưởng từ dự án...
Đặc biệt, nhà đầu tư chiến lược sẽ không được hưởng ưu đãi và phải chịu trách nhiệm về các hậu quả phát sinh do không đáp ứng các điều kiện về vốn, tiến độ giải ngân và các điều kiện khác về nhà đầu tư chiến lược.
Ngoài ra, để đảm bảo giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư kinh doanh trong Khu kinh tế Vân Phong, dự thảo Nghị quyết quy định Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong được giao thực hiện nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa theo đúng quy định pháp luật.
Làm rõ tiêu chí tổng tài sản 25.000 tỷ đồng
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - ông Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến cho rằng, chủ trương thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp với Nghị quyết 09. Tuy nhiên, cần lưu ý, Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
"Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ cơ sở thực tiễn, tính khả thi của việc triển khai quy định: Nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về việc “đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam” - ông Nguyễn Phú Cường nói, đồng thời đề nghị làm rõ cơ sở, cách thức xác định tiêu chí về tổng tài sản 25.000 tỷ đồng trở lên đối với điều kiện về năng lực tài chính tại vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng việc định giá tài sản đầu tư.
Về cam kết, nghĩa vụ của nhà đầu tư, đa số ý kiến cho rằng, việc cam kết cần gắn với chế tài cụ thể để có căn cứ xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện, tránh dẫn đến sơ hở, lợi dụng chính sách để hưởng ưu đãi, khó khả thi khi thực hiện.
Về thời hạn giải ngân và chuyển nhượng dự án, một số ý kiến cho rằng các quy định này sẽ không mang tính hiệu lực nếu không có chế tài cụ thể và thời hạn không được chuyển nhượng dự án như quy định của Dự thảo là ngắn, dễ lợi dụng chính sách, khó bảo đảm gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, đề nghị quy định biện pháp xử lý trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ và thời hạn dài hơn.
Về ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ nội hàm chính sách “được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư, hỗ trợ bồi thường tái định cư…”; “được tổ chức, tham gia xúc tiến đầu tư…”
Trong đó, về thủ tục hải quan, đa số ý kiến nhất trí với quy định ưu tiên trong thực hiện thủ tục hải quan, song đề nghị chỉ áp dụng đối với hàng hóa sản xuất, chế biến tại Khu kinh tế và cần giám sát chặt chẽ để tránh lợi dụng chính sách.
Về chính sách quản lý môi trường, đa số ý kiến cho rằng, việc giao Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường cho các dự án thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh nhằm tăng tính chủ động, đơn giản hóa thủ tục là hợp lý.
Tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm để bảo đảm chất lượng thẩm định, tránh hậu quả môi trường; đặc biệt, giao quyền hạn phải gắn với trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thực thi.