Ông Donald Trump bị ám sát hụt lần hai, đã bắt giữ nghi phạm
Theo CNN, chiều 15/9, theo giờ địa phương, người phát ngôn Cơ quan Mật vụ Mỹ ra tuyên bố cho biết: “Cơ quan Mật vụ, phối hợp với Văn phòng Cảnh sát trưởng quận Palm Beach, đang điều tra một sự cố về công tác bảo vệ liên quan đến cựu Tổng thống Donald Trump xảy ra ngay trước 14 giờ. Cựu tổng thống an toàn. Văn phòng Cảnh sát trưởng quận Palm Beach sẽ sớm có thêm thông tin chi tiết”.
Được biết, cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới đã may mắn thoát nạn sau một vụ việc được cho là âm mưu ám sát lần thứ hai. Vụ việc xảy ra khi ông đang chơi golf trên sân golf riêng ở West Palm Beach, Florida.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân golf trong vụ ám sát. Ảnh: CNN |
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng mật vụ đã đưa ông Trump rời khỏi hiện trường tới nơi an toàn. Sở cảnh sát địa phương cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc họp báo về vụ nổ súng này.
Theo thông tin từ FBI, các đặc vụ Mật vụ Hoa Kỳ đã phát hiện và đối đầu với một tay súng ẩn nấp trong bụi cây gần ranh giới sân golf. Kẻ tấn công, được xác định là Ryan Wesley Routh, 58 tuổi, cư dân Hawaii, đã bị bắt giữ sau khi bỏ lại một khẩu súng trường AK-47 và bỏ chạy khỏi hiện trường.
Cảnh sát trưởng Quận Palm Beach, ông Ric Bradshaw cho biết: “Các đặc vụ đã phát hiện nòng súng chỉ cách ông Trump khoảng 400 đến 500 yard (tương đương 365 đến 457 mét) khi tiến hành rà soát các khu vực có thể gây nguy hiểm trước khi ông bước vào sân chơi golf. Khi phát hiện tay súng, các đặc vụ đã nổ súng ít nhất bốn phát vào khoảng 1:30 chiều, buộc kẻ tấn công phải bỏ chạy. Hắn vứt lại khẩu súng, hai chiếc ba lô cùng một số vật dụng khác và tẩu thoát trên một chiếc xe Nissan màu đen.”
Nhờ có sự giúp đỡ của một nhân chứng, các cơ quan thực thi pháp luật đã nhanh chóng nhận diện được chiếc xe và phát lệnh truy nã trên toàn bang. Nghi phạm đã nhanh chóng bị bắt giữ trên đường I-95 ở Quận Martin lân cận.
Sau vụ việc, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã nhanh chóng lên tiếng trấn an qua email gửi đến những người ủng hộ, khẳng định rằng ông vẫn "an toàn và khỏe mạnh." Vụ việc lần này tiếp tục làm dấy lên những lo ngại về an ninh của các ứng cử viên tổng thống, chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử căng thẳng dự kiến diễn ra vào ngày 5/11.
Cùng ngày, Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã được thông báo và bày tỏ sự nhẹ nhõm khi biết ông Trump vẫn an toàn. Bà Harris cũng lên tiếng trên mạng xã hội, nhấn mạnh rằng: "Bạo lực không có chỗ trên đất nước Mỹ."
Sự việc lần này là âm mưu ám sát thứ hai nhằm vào ông Trump chỉ trong vòng hai tháng, sau vụ tấn công vào ngày 13/7 ở Pennsylvania, nơi ông bị thương nhẹ và một người ủng hộ đã thiệt mạng. Điều này đã dẫn đến sự chỉ trích mạnh mẽ về các biện pháp bảo vệ an ninh và sự từ chức của bà Kimberly Cheatle, Giám đốc Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ.
Thượng nghị sĩ JD Vance, người đồng hành cùng ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng cho biết đã nói chuyện với cựu Tổng thống Trump sau vụ việc và ông vẫn giữ thái độ vui vẻ, lạc quan bất chấp sự việc nghiêm trọng này.
Tổng thống Joe Biden huy động '‘mọi nguồn lực’' bảo vệ ông Trump sau vụ ám sát lần hai
Theo Sky News, sáng 16/9, phát biểu sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump bị ám sát lần thứ hai khi đang đánh golf ở bang Florida, Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ huy động '‘mọi nguồn lực'’ bảo vệ ông Trump.
Viết trên tài khoản mạng xã hội X, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Tôi đã được báo cáo tóm tắt về việc các cơ quan thực thi pháp luật liên bang đang điều tra một nỗ lực ám sát mới đối với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Sky News |
Tổng thống Joe Biden đã dành những lời khen ngợi cho Cơ quan Mật vụ Mỹ cùng các đối tác thực thi pháp luật vì sự cảnh giác và nỗ lực không ngừng nhằm đảm bảo an toàn cho cựu Tổng thống Donald Trump cùng những người xung quanh ông. Trong tuyên bố của mình, ông Biden bày tỏ sự "nhẹ nhõm" khi biết cựu Tổng thống Trump không bị thương sau một vụ ám sát bất thành, đồng thời nhấn mạnh rằng ở Mỹ không có chỗ cho bạo lực chính trị hay bất kỳ hình thức bạo lực nào khác.
Vị Tổng thống đương nhiệm cũng cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo nhóm của mình để đảm bảo rằng Cơ quan Mật vụ có đủ nguồn lực, khả năng và biện pháp bảo vệ cần thiết để duy trì sự an toàn cho cựu Tổng thống Trump. Việc bảo vệ các nhà lãnh đạo đương thời và cựu lãnh đạo là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Washington”.
Ukraine ‘từ chối’ ngừng bắn với Nga, nhấn mạnh sự hỗ trợ từ Mỹ
Ngày 15/9, đài RT dẫn lời ông Dmitry Litvin, một cố vấn truyền thông của Tổng thống Ukraine Zelensky, Kiev không có ý định ngừng các hoạt động chiến sự với Moscow, bác bỏ thông tin từ báo Bild của Đức.
Cố vấn Dmitry Litvin đã khẳng định rằng, bài báo từ Bild chỉ là thông tin giả mạo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ Mỹ đối với "kế hoạch chiến thắng" của Ukraine, vì kết quả của cuộc chiến phụ thuộc nhiều vào sự hậu thuẫn từ Washington.
Lính Ukraine khai hỏa pháo ở chiến trường miền Đông. Ảnh: Reuters |
Ngày 14/9, tờ Bild đưa tin, Tổng thống Zelensky dự kiến sẽ đến Mỹ trong những tuần tới để thảo luận về chiến lược mới với Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Bài báo cho biết kế hoạch bao gồm việc yêu cầu được phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây vào sâu bên trong nước Nga và khả năng Kiev chấp nhận ngừng bắn cục bộ ở một số khu vực nhất định.
Tuy nhiên, ông Litvin phát biểu với truyền thông Ukraine, khẳng định thông tin từ Bild là không chính xác. Ông cho biết: "Bild chưa từng xem kế hoạch chiến thắng và không ai tham gia quá trình chuẩn bị này từng nói chuyện với họ".
Cố vấn này cũng nhấn mạnh, Kiev kiên quyết phản đối mọi lệnh ngừng bắn và không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào tương tự "Minsk-3", ám chỉ đến các thỏa thuận ngừng bắn trước đây giữa Ukraine và các khu vực ly khai ở Donbass và Lugansk.
Ông Litvin đã nhắc lại lập trường của Kiev, không muốn ký bất kỳ thỏa thuận nào có thể đóng băng tình hình hiện tại, khi những thỏa thuận ngừng bắn trước đây chỉ nhằm câu giờ để Ukraine chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn hơn.
Các lãnh đạo phương Tây như cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande, những người đứng sau các thỏa thuận Minsk, cũng đã thừa nhận rằng các thỏa thuận này chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian.
Theo Wall Street Journal, một số nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết, các đồng minh của Kiev đã kín đáo đề nghị Ukraine nên đưa ra một kế hoạch thực tế hơn, vì các mục tiêu hiện tại của nước này quá lớn và có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho phương Tây.
Kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022, Tổng thống Zelensky vẫn kiên quyết yêu cầu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine theo biên giới năm 1991, bao gồm cả Crimea. Trong khi đó, Moscow kêu gọi Kiev “chấp nhận thực tế hiện tại" và không đưa Crime ra thảo luận.
Vào tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, với điều kiện Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi những vùng đất mà Nga tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Kiev và các đồng minh phương Tây đã từ chối đề xuất này, coi đây là một tối hậu thư không thể chấp nhận.
Hamas quyết chiến với Israel, kêu gọi thiết lập ‘'chính quyền Palestine thống nhất’' tại Gaza
Theo AFP, ngày 15/8, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), quan chức cấp cao Hamas, Osama Hamdan tuyên bố nhóm Hồi giáo này mong muốn thiết lập "chính quyền Palestine thống nhất" tại Dải Gaza sau khi chiến sự kết thúc.
Ông Osama Hamdan - Người phát ngôn của Hamas tại Lebanon. Ảnh: AP |
Giới chức Hamas khẳng định, lực lượng quân đội có đủ nguồn lực tiếp tục chiến đấu với Israel mặc dù phải chịu nhiều tổn thất trong hơn 11 tháng xung đột ở dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định rằng tương lai Gaza phải do người Palestine quyết định. Ngày sau khi giao tranh chấm dứt sẽ là ngày của người Palestine."
Mặc dù trải qua hơn 11 tháng xung đột với Israel, ông Osma Hamdan cho biết khả năng chiến đấu của Hamas vẫn "ở mức cao." Ông giải thích: "Chúng tôi đã tích lũy được kinh nghiệm và huy động được thế hệ trẻ tham gia kháng chiến".
Trước đó, Thủ tướng Palestine Mohammed Mustafa nhiều lần tuyên bố nước này đã sẵn sàng tái lập một chính quyền “thống nhất” sau cuộc xung đột Hamas-Israel ở Dải Gaza. Ông khẳng định chính quyền Palestine hiện do Tổng thống Mahmud Abbas lãnh đạo và đang nắm quyền kiểm soát hạn chế ở Bờ Tây bị chiếm đóng, sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm của mình sau khi xung đột Gaza kết thúc, nhằm giúp khôi phục sự đoàn kết của người dân và giới lãnh đạo nước này.
Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu gần đây đã phát động nhiều hoạt động quân sự trả đũa nhằm tiêu diệt Hamas sau cuộc tấn công bất ngờ vào miền nam Israel khiến 1.205 người thiệt mạng. Đáp trả, chiến dịch quân sự của Israel khiến ít nhất 41.206 người thiệt mạng ở Gaza.
Ngày 15/9, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) xác nhận thông tin miền trung nước này bị tập kích tên lửa. IDF cho biết lực lượng Houthi ở Yemen đứng sau vụ tấn công. Trong tuyên bố trên mạng xã hội X, IDF nêu rõ các tên lửa của Houthi bay vào vùng phòng không Israel từ phía đông và rơi xuống một khu vực ít dân cư. IDF hiện chưa ghi nhận được thương vong về người. Cũng theo IDF, các tiếng nổ lớn khi cuộc tập kích diễn ra xuất phát từ các chiến đấu cơ nước này đánh chặn tên lửa Houthi.
Vài giờ sau, lực lượng Houthi đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng tên lửa, đồng thời cho biết lực lượng này đã sử dụng mẫu tên lửa đạn đạo siêu thanh mới nhất tấn công các mục tiêu ở Israel ở cảng Jaffa (Tel-Aviv).
Người phát ngôn Houthi Yahya Saree nói: "Hệ thống phòng thủ của kẻ thù đã không thể đánh chặn mẫu tên lửa mới. Vũ khí này đã vượt qua khoảng cách 2.040 km trong hơn 11 phút và có thể đã đánh trúng mục tiêu đã định". Ông nói thêm, vụ tấn công gây ra sợ hãi và hoảng loạn ở Israel, hơn 2 triệu người Israel phải tìm nơi trú ẩn lần đầu tiên trong lịch sử.
Thủ tướng Israel đe dọa sa thải Bộ trưởng Quốc phòng lần hai
Theo Times of Israel, ngày 15/9, trong bối cảnh chính trị và quân sự của Israel đang nóng lên với những tranh cãi nội bộ về khả năng phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn chống lại Lebanon. Những khác biệt rõ rệt về quan điểm giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của Israel đang được truyền thông nước này theo dõi sát sao, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi đứng về phía thận trọng hơn, trong khi Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Bắc IDF, Thiếu tướng Uri Gordin, lại tích cực thúc đẩy một cuộc tấn công quy mô lớn vào Lebanon.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Ảnh: Reuters |
Theo các báo cáo từ Đài phát thanh công cộng Kan và Kênh 13 của Israel, Thiếu tướng Gordin đang gây sức ép mạnh mẽ lên các nhà hoạch định chính sách để tiến hành một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Lebanon. Gordin cho rằng tình hình an ninh ở miền Bắc Israel đang đòi hỏi một phản ứng quyết liệt, và ông đã kêu gọi một chiến dịch tấn công lớn để đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Gallant và Tham mưu trưởng Halevi không chia sẻ quan điểm này. Họ cho rằng thời điểm hiện tại chưa phù hợp để phát động một cuộc tấn công lớn, đặc biệt khi các nỗ lực ngoại giao vẫn đang được tiến hành để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và giảm bớt căng thẳng ở khu vực phía Bắc.
Bộ trưởng Quốc phòng Gallant được cho là đang tìm kiếm cơ hội để tiếp tục các giải pháp ngoại giao, ưu tiên giải quyết vấn đề qua đối thoại thay vì sử dụng sức mạnh quân sự ngay lập tức. Quan điểm này đã dẫn đến mâu thuẫn với Thiếu tướng Gordin, người lo ngại rằng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc hành động quân sự đều có thể tạo điều kiện cho các lực lượng thù địch củng cố sức mạnh, đe dọa an ninh quốc gia của Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người giữ vai trò trung tâm trong cuộc tranh cãi này, vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức rõ ràng. Theo Đài Kan, Netanyahu có vẻ ủng hộ một chiến dịch quân sự giới hạn nhằm vào Lebanon, và thậm chí đã có những nguồn tin không chính thức cho rằng ông đe dọa sẽ cách chức Bộ trưởng Gallant nếu ông này tiếp tục phản đối hành động quân sự. Tuy nhiên, một số quan chức ngoại giao đã phủ nhận thông tin này. Trong khi đó, Kênh 13 cho rằng Netanyahu vẫn đang giữ kín quan điểm của mình, chưa công khai ủng hộ hay phản đối kế hoạch của Thiếu tướng Gordin, làm dấy lên sự hoài nghi về quyết định cuối cùng của ông.
Một diễn biến đáng chú ý khác là việc IDF phát tờ rơi kêu gọi cư dân thị trấn Al Wozani ở miền nam Lebanon rời khỏi khu vực này, tạo ra lo ngại về một cuộc tấn công sắp xảy ra. Tuy nhiên, IDF sau đó đã khẳng định rằng hành động phát tờ rơi là một sáng kiến tự phát của Lữ đoàn khu vực 769, không phải là một phần của chiến lược quân sự chính thức và chưa nhận được sự phê duyệt từ cấp chỉ huy cao hơn. IDF đã mở cuộc điều tra nội bộ để làm rõ vụ việc.
Trong bối cảnh này, câu hỏi về việc liệu Israel có phát động một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào Lebanon hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Những mâu thuẫn nội bộ giữa các nhà lãnh đạo Israel, cùng với sự bất định trong quan điểm của Thủ tướng Netanyahu, đang khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Các diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào cách thức xử lý của chính quyền Israel, khi họ phải đối mặt với những áp lực từ cả trong nước và quốc tế để cân nhắc giữa các giải pháp quân sự và ngoại giao trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.