Theo South China Morning Post ngày 18/12, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc lần đầu tiên công bố hình thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) siêu thanh MD-22. Đây là một bước tiến quan trọng trong công nghệ hàng không, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển và tăng cường năng lực khoa học cũng như quân sự.
Đội ngũ kỹ thuật tại Trung Quốc thực hiện nhiều chuyến bay thử nghiệm để tinh chỉnh thiết kế, cải thiện tính hiệu quả cho dòng UAV MD. (Ảnh: SCMP) |
MD-22, thuộc dòng UAV MD của Trung Quốc, được phóng từ độ cao lớn trong bầu khí quyển bằng khinh khí cầu. Trong quá trình thử nghiệm, thiết bị đạt tốc độ Mach 7, tương đương 8.643 km/h, gấp 7 lần tốc độ âm thanh, và hạ cánh an toàn, cho phép tái sử dụng.
MD-22 là mẫu UAV tiên tiến nhất trong dòng MD, từng ra mắt tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc năm 2022. Thiết bị này có tầm bay tối đa 8.000 km, tải trọng lên đến 600 kg và được thiết kế để phục vụ các nhiệm vụ nghiên cứu khí động học, phát triển phương tiện hàng không tốc độ cao và tên lửa siêu vượt âm.
Dự án do nhóm “Nhiệm vụ khoa học trẻ Tiền Học Sâm” của Viện Cơ học (IMECH), trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đảm nhiệm. Sự ra đời của MD-22 đánh dấu nỗ lực vượt bậc của Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ siêu thanh, tạo nền tảng cho những tiến bộ đột phá trong hàng không và quốc phòng.
Khái niệm về chuyến bay siêu thanh gần không gian lần đầu tiên được đưa ra bởi nhà khoa học Tiền Học Sâm, người được mệnh danh là "cha đẻ" của chương trình không gian Trung Quốc. Ông đã hình dung về loại máy bay có khả năng hoạt động trong khu vực giữa bầu khí quyển thông thường và không gian vệ tinh, với yêu cầu phóng giữa không trung để đạt tính linh hoạt tối ưu.
Các thử nghiệm của dòng MD, được gọi là “phương tiện tầm xa”, đã chứng minh hiệu suất vượt trội ở cả vận tốc cao lẫn thấp, theo chia sẻ từ nhóm nghiên cứu. Kỹ sư Li Wenhao thuộc IMECH nhận định trong một video: “Chúng tôi luôn hướng đến những kết quả tốt nhất. Dù các ý tưởng này mang tính tiên phong, chúng hoàn toàn có cơ sở lý thuyết.”
Hành trình phát triển gặp không ít khó khăn, với hơn 30 lần điều chỉnh thiết kế nhằm tối ưu hóa mô hình và cải thiện thử nghiệm. Một thử nghiệm ban đầu vào năm 2020 thất bại do dù bung quá sớm, trong khi lần thử thứ hai vào tháng 5/2021 phải hủy bỏ vì thời tiết không thuận lợi ở sa mạc Gobi.
Sau khi tinh chỉnh mô hình lý thuyết và nâng cấp quy trình thực địa, nhóm nghiên cứu đã thành công trong lần thử nghiệm thứ ba vào tháng 11/2021, khi họ thu hồi được máy bay nguyên mẫu MD-21.