Theo tờ CNN, một vụ nổ bom điều khiển từ xa tại thủ đô Moscow vào ngày 17/12 đã lấy đi sự sống của Trung tướng Igor Kirillov - người đứng đầu lực lượng bảo vệ hạt nhân, sinh học và hóa học của Nga, đồng thời là người bị Ukraine truy nã vì sử dụng vũ khí hóa học. Vụ việc đang làm chấn động giới chức Nga và dấy lên những nghi ngờ về lỗ hổng an ninh ngay giữa lòng thủ đô.
Hiện trường vụ nổ khiến Trung tướng Nga Igor Kirillov và trợ lý thiệt mạng, theo Ủy ban Điều tra Nga, tại Moscow, Nga, ngày 17/12/2024. Ảnh: CNN |
Theo Ủy ban Điều tra Nga, quả bom được giấu trong một chiếc xe điện đỗ gần tòa chung cư cách Điện Kremlin khoảng 7km về phía đông nam. Vụ nổ mạnh đến mức phá hủy hoàn toàn lối vào tòa nhà, trong khi mảnh vỡ văng khắp nơi. Trợ lý của Kirillov cũng tử vong tại chỗ. Ủy ban này tuyên bố đây là “hành động khủng bố có chủ đích”, đồng thời khẳng định cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành khẩn trương.
Đây là chiến dịch ám sát táo bạo được Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) nhận trách nhiệm như một hành động trả đũa các hành vi sử dụng vũ khí hóa học trên chiến trường Ukraine.
Thông tin này được một quan chức SBU đề nghị giấu tên chia sẻ với tờ Politico và tờ Kyiv Independent trong ngày 17/12.
Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội Nga cho thấy hiện trường vụ nổ ngổn ngang với khói bụi và hai thi thể nằm lạnh giá trên tuyết. Một cư dân địa phương mô tả với Reuters: “Tiếng nổ lớn đến mức tôi tưởng có động đất. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ là công trình xây dựng gì đó. Nhưng nó thực sự đáng sợ”.
Theo hãng tin TASS, sức công phá của thiết bị nổ tương đương 300 gram TNT và được kích hoạt từ xa, cho thấy tính toán kỹ lưỡng của thủ phạm. Sau vụ nổ, hiện trường nhanh chóng bị phong tỏa để phục vụ công tác điều tra.
Vụ ám sát xảy ra chỉ một ngày sau khi công tố viên Ukraine cáo buộc ông Kirillov vắng mặt vì ra lệnh sử dụng hơn 4.800 quả đạn chứa chất hóa học gây kích thích, như CS và CN, trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các chất này còn được gọi là hơi cay, vốn bị cấm sử dụng trong chiến tranh theo Công ước Vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc.
Trước đó, ông Kirillov từng bị Chính phủ Anh liệt vào danh sách trừng phạt với cáo buộc triển khai “vũ khí hóa học tàn bạo”. Bộ Ngoại giao Anh khẳng định ông Kirillov không chỉ là người đứng sau các cuộc tấn công vào Ukraine.